00:00 Số lượt truy cập: 3231300

Đậm đà vị na Đông Phú 

Được đăng : 03/11/2016
Mùa na ở Đông Phú, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đang vào chính vụ. Năm nay na được mùa lại được giá nên trên đồng đất Đông Phú không cây gì... địch được cây na.

Về xã Đông Phú, nơi có diện tích na lớn nhất, nhì huyện Lục Nam vào một ngày tháng tám, chúng tôi chứng kiến vẻ sôi động, nhộn nhịp của vùng na này. Dù thời tiết trời chuyển mùa vừa đổ những cơn mưa lớn nhưng con đường nhỏ, hẹp vào thôn Yên Bắc, "bản địa" na của xã vẫn từng đoàn xe ôtô tải hạng nhẹ nối đuôi nhau đến "bốc hàng". Trong số này có nhiều xe mang biển kiểm soát từ Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tây, Bắc Ninh… Ngay đầu thôn, na được chất từng đống cao để chuẩn bị đóng thùng mang đi. Từng sọt, từng hộp na đầy được khênh xếp lên xe rồi nối đuôi nhau ra khỏi làng.

Nở nụ cười tươi rói trên khuôn mặt rám nắng còn đọng những giọt nước mưa, chị Dương Thị Soi hồ hởi: "Tôi vừa đi cân 2 tạ na về, được giá lắm, 14 nghìn đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi thu khoảng 12 triệu đồng tiền na. Ngày trước, khi thu hoạch na, chúng tôi phải tự đem đi bán, chả thế mà ở Hà Nội còn có riêng cả chợ na Đông Phú.

Nhưng vài năm trở lại đây, na Yên Bắc đã có tiếng với quả to, nhiều thịt, ít hạt và độ thơm ngọt nên việc tiêu thụ rất thuận lợi, tư thương về tận vườn thu mua". Tham khảo một vòng tại các điểm cân na, chúng tôi được bà con nông dân phấn khởi cho biết, na loại 1 (loại to, 4 quả/kg) giá bán buôn tại đây là 14 nghìn đồng/kg. Na loại 2 là từ 7 - 10 nghìn đồng/kg. Còn các loại na nhỏ khoảng hơn chục quả/kg giá 5 - 6 nghìn đồng.

Đến gia đình ông Nguyễn Văn Tưởng, thôn Yên Bắc, hộ trồng na đầu tiên của xã, chúng tôi được nghe ông kể về lịch sử cây na trên đất đồi Yên Bắc. Năm 1997, sau khi mua vườn, ông đã có ý định tìm một loại cây trồng khác để thay thế cho cây vải thiều. Qua tìm hiểu ông thấy ở xã Huyền Sơn người dân trồng na rất thành công, vụ nào cũng được mùa, nhiều gia đình trở nên khá giả. Vậy là ông quyết "tầm sư học đạo".

Nhờ có nhiều bạn bè là chủ vườn na ở Huyền Sơn tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây na mà chẳng mấy chốc ông Tưởng thành "vua na". Ban đầu ông trồng thử nghiệm vài trăm cây na, sau đó ông chuyển 6 sào cấy lúa một vụ không ăn chắc sang trồng na, đưa diện tích na của gia đình lên hơn 1 mẫu. Với tay lên trái na nặng trĩu, ông Tưởng hào hứng: "Năm ngoái gia đình tôi thu 30 triệu, năm nay do đã nắm được phương pháp thụ phấn nên na sai, quả to, đều hơn ước thu 60 triệu đồng".

Gia đình chị Soi, ông Tưởng chỉ là hai trong nhiều hộ trồng na thu nhập cao ở Yên Bắc. Theo người dân ở đây cho biết thì cách đây chừng mươi năm, cây na mới được đưa vào trồng ở các vùng núi thấp của xã với mức độ dè dặt… Sau khi nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây na thì bà con đưa cây na lên đồi, ra ngoài bãi, thậm chí trồng na ở cả các chân ruộng lúa không ăn chắc. Đến nay, 100% hộ dân trong thôn đều trồng na với diện tích hơn 30ha. Cùng với Yên Bắc, không ít hộ trồng na ở thôn lân cận như Đồng Tiến cũng thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/vụ.

Gặp ông Hoàng Sỹ Hà, Phó Chủ tịch UBND xã được biết, diện tích na trên địa bàn là hơn 100 ha: "Tuy nhiên chúng tôi không khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng, mẫu mã na. Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc na như cách thụ phấn nhân tạo, phòng trừ sâu bệnh... Và tiến tới cho na ra trái vụ nhằm nâng cao giá trị hàng hoá của loại cây này".

Mặt trời đã khuất sau dãy núi, những chiếc xe chở đầy na dần chuyển bánh và những xe khác lại tiến vào đóng hàng. Xe chưa lấy đủ hàng hoặc lấy hàng quá muộn, phải ngủ lại sáng mai mới về. Buổi xế chiều, chia tay các vườn na, tạm biệt vùng quê Đông Phú với bạt ngàn na chín, chúng tôi mang theo hương vị đậm đà của những trái na cùng niềm vui được mùa, được giá của bà con. Cầu chúc cho những mùa na bội thu cứ tiếp nối để người dân vùng đất ở nơi sông Lục, núi Huyền ngày càng giàu đẹp, văn minh.