Lão nông Nguyễn Công Hậu - ấp Long Thành, Hòa Long, Lai Vung, Đồng Tháp - cho biết: "Phân DAP lên gần 1,3 triệu đồng/bao, tăng 300.000 đồng so với tháng trước!".
Phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng
Tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, đến chiều 6-5 giá phân urê đã vượt lên 440.000-450.000 đồng/bao, tăng 130.000 đồng/bao so với tháng trước. Phân NPK tăng từ 600.000 đồng lên 760.000 đồng/bao, con cò Pháp từ 660.000 đồng tăng lên 910.000 đồng/bao và DAP Trung Quốc nếu như cuối vụ xuân hè là 900.000 đồng/bao thì nay đã 1.350.000 đồng/bao.
Ông Trần Kỉnh Lâm ở xã An Ninh, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đang làm đất để chuẩn bị xuống giống 8 công ruộng sau nhà nhưng chưa biết lấy đâu ra tiền để mua phân vì chỉ sau vài tháng mà giá phân các loại đã tăng thêm 130.000-450.000 đồng/bao. "Nhiều người nói giá lúa tăng thì sợ gì giá phân nhưng với tình hình này giá lúa đã không theo kịp giá vật tư nông nghiệp. Nông dân từ trước đến giờ vẫn tính 10 giạ lúa mua được một bao phân DAP nhưng bây giờ phải bán 12-13 giạ” - ông Lâm than thở. Theo ước tính của nhiều hộ nông dân, với giá phân tăng cao kỷ lục như hiện nay mỗi công ruộng phải tăng thêm chi phí từ 300.000-350.000 đồng.
Không chỉ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng giá. Nếu như vụ trước thuốc diệt cỏ chỉ có 68.000-75.000 đồng/chai thì hiện nay đã tăng lên 140.000 đồng/chai. Dịch rầy nâu đang bùng phát, người dân chạy đôn chạy đáo tìm mua loại thuốc Chess, vốn rất được tin dùng. Đầu vụ rồi chỉ 8.000 đồng/gói nhưng nay đã vọt lên 16.000 đồng/gói.
Không bán thiếu
Giá tăng đã khó nhưng khó hơn là các cửa hàng không chịu cho nợ tới hết vụ mới thanh toán, nay đòi "tiền trao cháo múc". Nhiều cửa hàng vẫn chưa chịu bán với số lượng nhiều vì cho rằng đại lý cấp 1 chưa giao kịp hàng dù nông dân trả tiền mặt. Ông Sơn Hòa Bình ở xã Thuận Hòa (Mỹ Tú, Sóc Trăng), cho biết: "Thấy giá phân tăng vùn vụt, tôi mang tiền ra chợ mua 15 bao urê và 15 bao DAP nhưng chỉ mua được 10 bao urê và tám bao DAP. Các điểm bán phân đều hẹn mười ngày nữa mới có số lượng nhiều vì phải... chừa một ít để bán cho người khác".
Một số cửa hàng vật tư cho biết do giá phân bón tăng, những ngày qua có hiện tượng nông dân mua dự trữ nên họ dứt khoát không bán thiếu, kể cả khách quen.
Trong khi đó, hiện nhiều đại lý phân bón cấp 1 ở các tỉnh ĐBSCL đang ồ ạt chuyển hàng về chất kín các kho để chuẩn bị mùa vụ mới. Ông Nguyễn Hoàng Ánh, chủ cửa hàng phân bón ở xã Lâm Kiết (Thạnh Trị, Sóc Trăng) cho rằng các đại lý cấp 2 hiện nay không mua được nhiều phân để lưu kho nếu ít vốn, bởi đại lý cấp 1 không bán nợ theo hình thức "gối đầu" như những năm trước do giá phân tăng nên rủi ro cao.
Giá tăng là do… ngân hàng
Không thiếu phân bón Theo ông Đào Đức Vũ - phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lê, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng quá nhanh đã đẩy giá phân bón trong nước tăng theo. Theo ông Phan Đình Đức - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất dầu khí - nhà sản xuất đạm Phú Mỹ, kể từ sau khi Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu phân bón và siết chặt việc xuất lậu, phân urê tiểu ngạch vắng bóng trên thị trường VN. Ngoài nguồn hàng còn tồn kho của Đạm Phú Mỹ lên tới 100.000 tấn urê, lượng hàng từ các nguồn nhập khẩu khác cũng còn khoảng 400.000 tấn, đủ đảm bảo cung ứng nhu cầu urê cho vụ hè thu tại khu vực ĐBSCL tới đây. Đình Phúc |
Các đầu mối phân phối khẳng định không thiếu phân bón. "Mua bao nhiêu cũng có” - các đại lý cấp 1 cũng khẳng định. Thế nhưng giá đến tay nông dân lại khá cao do các cửa hàng đã cộng thêm lãi suất 2%/tháng, tính từ ngày mua tới hết vụ (thường 3-4 tháng).
Nhiều cửa hàng vật tư ở Đồng Tháp cho biết do thiếu vốn, do lúc này ngân hàng chậm cho vay nên đa số bà con phải mua thiếu và họ phải kê thêm lãi suất. "Chúng tôi cũng thiếu vốn, nếu không thanh toán ngay cho đại lý thì cũng bị họ tính lãi suất như thế" - các đại lý cấp 2 ở Tam Nông giải thích. Đại lý cấp 1 cũng giải thích tương tự.
Trước đây các đầu mối phân phối thường cho nợ tiền mua hàng, còn nay chỉ có đại lý nào có uy tín lắm mới được cho thiếu 30% và phần nợ còn lại vẫn phải tính lãi. "Đôi khi chúng tôi cũng phải vay ngân hàng vì vậy khi đại lý mua thiếu chúng tôi vẫn phải tính lãi" - anh Đoàn Quốc Tuấn, đại lý vật tư ở Mỹ Đức, Châu Phú (An Giang), nói. Anh cho biết trước kia lãi suất ngân hàng chỉ 1,2%, giờ lên tới 1,8% nên việc các cửa hàng bán lẻ tính thêm lãi suất 2% cũng... tương đối hợp lý.
Với thuốc bảo vệ thực vật, giá tăng ngoài nguyên nhân do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng còn do khâu phân phối có vấn đề. Rầy nâu đang hoành hành, loại thuốc được nông dân tin dùng nhất là Chess. Giá sỉ cho đại lý là 1,6 triệu đồng/thùng (200 gói, tương đương 8.000 đồng/gói), nhưng giá bán lẻ tới 16.000 đồng/gói! Các đại lý, cửa hàng nông dược cho biết phía công ty sản xuất chỉ bán ra số lượng có hạn, khi mua một thùng Chess họ bị ép buộc phải mua thêm một thùng thuốc ngâm hạt giống hiệu Cruiser giá 4,8 triệu đồng/thùng. "Lúc này đã qua đợt xuống giống, mua nó về bán cho ai. Để lâu thì coi chừng hết hạn sử dụng. Thành thử chúng tôi phải nâng giá bán của Chess lên" - họ bảo.