00:00 Số lượt truy cập: 3227825

Để vụ điều năm 2007 không bị thất thu 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ điều năm 2006 cả nước bị mất mùa khá nặng. Riêng Đồng Nai sản lượng giảm gần 45% (từ 90.000 tấn xuống còn gần 50.000 tấn). Nguyên nhân là do thời tiết bất thường và các chủ vườn chưa chuẩn bị tốt các khâu kỹ thuật để đối phó. Năm nay thời tiết tuy có thuận lợi hơn năm ngoái và cây điều hiện đang trong thời kỳ chuẩn bị thay lá, phát triển chồi non để trổ bông, nhưng việc chăm sóc, nhất là khâu bảo vệ thực vật cho vườn điều vẫn còn phải được quan tâm đúng mức...

* Phân bón cần đầy đủ

Theo khuyến cáo của Công ty Donafoods, năm nay nhuận (hai tháng 7 âm lịch) nên mùa mưa sẽ kéo dài sang giữa tháng 11 và như vậy, việc bón phân cho cây điều trong thời gian nửa đầu tháng 11 vẫn có thể được. KS Phạm Văn Đẩu, chuyên gia nghiên cứu cây điều của Công ty Donafoods cho biết, ngoài việc bón đủ lượng phân cho cây điều, trong thời gian này, chủ vườn điều nên sử dụng các loại phân đơn để bón gốc vì các loại phân này mau tan cây dễ hấp thụ hơn phân NPK. "Cần lưu ý chủ vườn không nên lạm dụng quá nhiều phân bón lá, giảm đi lượng phân bón ở gốc, vì như vậy cây sẽ bị mất cân đối. Những vườn điều sử dụng nhiều phân bón lá, ít phân bón ở gốc khi thu hoạch trông hạt điều rất đẹp nhưng tỷ lệ nhân trên hạt kém và mức độ hao do hạt điều bị teo lại cũng khá lớn"- ông Đẩu nói. KS Nguyễn Thị Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cũng cho rằng, hầu hết các vườn điều khi lạm dụng các chất kích thích ra hoa và phân bón lá sớm, không chú trọng đến việc bón phân gốc khi trái điều trong giai đoạn đang lớn sẽ rụng rất nhiều. Bà Đoàn cho biết, để chuẩn bị cho mùa điều năm 2007, Chi cục BVTV đã chỉ đạo các kỹ thuật viên tại cơ sở hướng dẫn chủ các vườn điều phải bón đủ phân dưới gốc, còn không sẽ tuyệt đối không dùng phân bón lá và thuốc kích thích cho cây.

* Xịt thuốc cho thật đều

Ngoài phân bón, BVTV cũng là vấn đề hết sức cần thiết. Vì giai đoạn cuối mùa mưa chuyển sang mùa khô đây là thời kỳ một số sâu bệnh tập trung phá hoại điều khá mạnh, đặc biệt như bọ xít muỗi, bọ trĩ và bệnh thán thư. Nếu bọ xít muỗi sẽ làm cành điều chuẩn bị thay lá bị chết khô các đầu cành, thì bọ trĩ sẽ hút nhựa ở những đọt non làm lá cây bị xoăn lại và không trổ bông được. Bọ xít muỗi có khả năng sinh sản rất mạnh và nhanh nên mức độ phá hoại rất lớn. Theo tính toán của các nhà vườn thì bình quân hai loại bọ này hàng năm gây mất mùa cho cây điều vào khoảng 30%. Những vườn điều bị nhiễm bọ xít muỗi hay bọ trĩ không xịt thuốc kịp sẽ bị giảm năng suất khoảng 70%. Bọ xít muỗi và bọ trĩ không phải là loại sâu hại không có thuốc trị, bởi hầu hết các đại lý bán thuốc BVTV đều có bán, nhưng một số vườn điều được xịt đi xịt lại nhiều lần, bọ xít muỗi vẫn không hết, do vậy chủ vườn đã nghi ngại bọ xít bị kháng thuốc. Vấn đề này được ông Đẩu giải thích: "Sở dĩ một số vườn điều xịt thuốc nhưng bọ xít muỗi vẫn không hết là do vườn đó có tán lá rậm rạp, máy xịt thuốc không phải là loại bơm cao áp nên khi xịt thuốc không tới được nhiều cành bị khuất, nên bọ xít vẫn có chỗ nấp. Bọ xít muỗi thường xuất hiện vào thời điểm sáng sớm và chiều tối, nên khi xịt thuốc, chủ vườn xịt từ sáng sớm đến khoảng 9 giờ, chiều thì khoảng 4 giờ đến tối. Nếu xịt thuốc vào khoảng tầm trưa, lúc này bọ xít đã đi nấp hết nên hiệu quả không cao". Riêng bệnh thán thư do loại nấm gây ra, bệnh thường xuất hiện khi điều đang trổ bông. Bệnh này làm cho bông điều bị khô không có khả năng đậu trái. Đây cũng là bệnh không khó chữa nhưng đòi hỏi chủ vườn điều phải thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện.

* Chăm sóc đúng kỹ thuật

Anh Bùi Quang Phúc ở xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc đang vận hành máy xịt thuốc cho điều.

Để cho một vườn điều đạt năng suất cao, người trồng điều ở trong tỉnh cần nắm vững và áp dụng tốt kỹ thuật chăm sóc. Nếu chủ vườn không nắm vững kỹ thuật rất có thể việc chăm sóc đó sẽ làm giảm năng suất của cây. Ông Đặng Khoa, Trưởng ban khuyến nông của Công ty Donafoods cho biết: "Những hộ trồng điều có nguồn nước cho điều vào mùa khô thì chắc chắn năng suất sẽ cao hơn hẳn những hộ không tưới. Thế nhưng, tưới vào thời điểm nào thì cũng cần áp dụng đúng kỹ thuật. Khi điều đang trổ bông mà vườn điều rậm rạp, độ ẩm cao, ta tưới nước là sẽ thất mùa, vì lúc này hơi nước bốc lên sẽ làm giảm khả năng thụ phấn của điều. Nhưng khi điều đã đậu trái tưới bổ sung thì lại rất tốt".

Việc tưới cho cây điều tưởng chừng như đơn giản, song nó cũng góp phần vào việc quyết định được hay làm thất mùa. Theo khuyến cáo của Trung tâm khuyến nông Đồng Nai, thì thời gian tưới cho điều cũng phải căn cứ theo từng vùng và vào thời gian tắt mưa sớm hay muộn. Bà con nông dân không nên thấy trên mặt đất khô là tưới vì rễ cây điều trưởng thành ăn khá sâu nên phần đất bên dưới khoảng 50cm vẫn còn ẩm. Lúc này nếu chủ vườn tưới vào sẽ tạo thêm độ ẩm quá nhiều tạo cơ hội cho nấm bệnh phát triển. Hoặc khi tưới chủ vườn điều cũng cần duy trì khoảng 7-10 ngày tưới một lần thì cần giữ ổn định, nếu thay đổi thời gian tưới liên tục, cây điều sẽ bị sốc nước làm cho trái bị rụng.

Một vụ điều có năng suất hay không sẽ tùy thuộc khá nhiều vào chế độ chăm sóc của chủ vườn. Nếu chăm sóc tốt cho dù có gặp phải thời tiết bất lợi thì cây điều vẫn không rơi vào tình trạng mất mùa nghiêm trọng. Thực tiễn vụ điều năm 2006 cho thấy, trong khi nhiều vườn điều mất mùa thì vẫn có không ít chủ vườn nhờ nắm bắt và ứng dụng kỹ thuật bài bản cho chăm sóc, bảo vệ cây điều nên hạn chế rất lớn thiệt hại về sản lượng.