00:00 Số lượt truy cập: 2670850

Dịch bệnh tấn công tôm nuôi trên cát ở Phù Mỹ 

Được đăng : 03/11/2016
Ao nuôi ken dày trên cát.
Suốt nửa tháng nay, dịch bệnh đã hoành hành trên hơn 30 ha ao nuôi tôm trên cát ở huyện Phù Mỹ (Bình Định). Tính đến nay, đã có hơn 10 ha ao tôm bị “triệt tiêu”. Tổn thất ước tính lên đến bạc tỉ.

Nỗi đau tôm thẻ chân trắng

Cách đây hơn 2 năm, vùng nuôi tôm trên cát trọng điểm của tỉnh Bình Định tập trung tại 2 xã Mỹ An và Mỹ Thắng (Phù Mỹ) cũng đã xảy ra dịch bệnh, nhưng mức độ nghiêm trọng không như lần này. Đầu tháng 3-2007, những ao tôm đang rất yên bình, những con tôm đã được 30-45 ngày tuổi đang sởn sơ phát triển bỗng dưng ngửa bụng chết. Mỗi sáng ra, chủ những ao nuôi tôm ở đây phải vớt ít nhất từ 50-60 xác tôm. Có nhiều ao tôm chết nằm trắng mặt nước, nản quá, chủ nuôi đã phải xả ao để thả giống nuôi lại. Toàn bộ các hồ nuôi khoảng 60 ha đã thả tôm giống thì đã có 10 ha bị xả, 50 ha ao tôm còn lại đang vật vã chống đỡ với dịch bệnh. Ông Sáu Sơn ở xã Mỹ An, người có 7 ao nuôi (hơn 2 ha) thì bị “lâm bệnh” cả 7 ao. Ông Sơn nói buồn: “Xác của những con tôm chết đều có hiện tượng thân ngã màu đỏ. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm qua chúng tôi bị thiệt hại nặng đến như vậy. Trước đây, cứ mỗi ha chúng tôi thu được 150 triệu tiền lãi/năm. Do vậy, dù phải tốn mức đầu tư ban đầu khá cao, xây dựng cơ bản một cái ao rộng 3.500m2 chi phí đến 80 triệu và vốn sản xuất hết 60 triệu đồng nữa nhưng chúng tôi không ngại ngùng đi vay về làm. Những người có ăn có chịu từ đầu thì chưa sao, chứ những hộ “chân ướt chân ráo” mới “nhảy vào” như chúng tôi thì “nát lòng”. Giống tôm nuôi trên cát chủ yếu là giống thẻ chân trắng. Mà giống tôm này rất đắt vì chúng là giống sạch bệnh, đã được gia hoá ở Mỹ do Cty TNHH Asia Hawai Ventures cung ứng. Mỗi ha ao nuôi phải mất đến 100 triệu tiền mua giống, ấy là chưa nói đến chi phí thức ăn, điện nước phục vụ sản xuất”. Những người thuê ao nuôi còn “cháy lòng” hơn, vụ này mất vốn đã đành, họ lo lắng số phận của những con tôm thả nuôi vụ sau không biết còn bị dịch bệnh “đeo đuổi” nữa không trong khi tiền thuê hồ cho một ao nuôi (3.500m2) thì cứ phải trả mỗi năm từ 30-40 triệu đồng!

Trước tình trạng trên, nhiều hộ nuôi tôm ở Mỹ An và Mỹ Thắng đang hấp tấp “thu hoạch” sớm, những con tôm “tí hon” mang ra chợ bán chẳng được bao nhiêu nhưng cũng vớt vát được tí đỉnh vốn. Và mục đích của sự “thu hoạch” sớm này cũng là để lấy ao thả nuôi vụ khác “gỡ gạc”!

Từ hiệu quả đến…hậu quả!

Do hiệu quả kinh tế của việc nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ trong những năm đầu quá hấp dẫn nên mức độ tăng trưởng của các hồ nuôi nghe mà “chóng mặt”. Trong năm đầu (2002) Sở Tuỷ Sản Bình Định thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi tôm sú thâm canh trên đất cát ven biển Bình Định” thì ở đây mới chỉ có 1,6 ha ao nuôi. Thế nhưng chỉ trong 5 năm, số diện tích nuôi tôm trên cát ở 2 xã thuộc huyện Phù Mỹ đã tăng đến 88 ha (số thống kê cuối năm 2006) với 162 ao nuôi. Vùng quy hoạch nhanh chóng bị “phá vỡ”. Lúc đầu Bình Định chỉ cho phát triển vùng nuôi dọc phía Đông tỉnh lộ 639, dần dà phát sinh lấn dần lên cả phía Tây đường. Không chỉ có người địa phương tham gia, mà cả người ngoài tỉnh ùn ùn kéo về thuê ao để nuôi. Ông Nguyễn Văn Quốc-Khuyến ngư viên xã Mỹ An cho biết có đến 50% ao nuôi trên địa bàn xã này chủ nhân của chúng là người Quảng Ngãi. Theo ông Trần Văn Phúc-Phó GĐ Trung tâm Khuyến ngư Bình Định- thì đó là căn nguyên dẫn đến tai hoạ cho vùng tôm này. Mật độ ao nuôi dày đặc mà các chủ hồ không quan tâm đến việc gìn giữ môi trường nên đã dẫn đến mất đi sự trong sạch của vùng đất cát ven biển. Ông Phúc nói: “Do mật độ hồ nuôi dày, choán hết diện tích vùng đất nên chất thải từ các ao nuôi xả ra “được” nằm quanh quẩn cạnh các ao rồi ngấm vào tầng nước ngầm. Người nuôi lại hút nước dưới tầng nước ngầm ấy lên nuôi tôm. Trong khi theo Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi-Viện Quy hoạch Bộ Thuỷ Sản-thì mỗi ao nuôi tôm sau thu hoạch sẽ thải ra đến 8 tấn chất thải rắn gồm: vỏ tôm, phân tôm, thức ăn thừa...và hầu hết lượng chất thải này được thải trực tiếp trên cát. Non một nửa hộ nuôi ở đây là người Quảng Ngãi vào làm ăn tạm thời, họ chẳng nghĩ đến chuyện “bền vững” nên không quan tâm đến mấy việc bảo vệ môi trường nuôi. Do vậy, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến dịch bệnh cho tôm ở đây là vì môi trường đã bị ô nhiễm quá nghiêm trọng …”

Nước thải xả ngay gần ao nuôi.

Nhiều nguyên nhân nữa cũng được ngành Thuỷ Sản Bình Định đưa ra là việc không tuân thủ của những hộ nuôi về mật độ thả nuôi. Theo khuyến cáo của ngành Thuỷ Sản thì chỉ có thể thả nuôi với mật độ từ 60-80 con/m2. Thế nhưng trên thực tế, mật độ bình quân thả nuôi ở đây từ 130-150 con/m2. Thậm chí trong đợt kiểm tra mới đây, ngành Thuỷ Sản phát hiện có ao thả nuôi đến 300 con/m2. Trong điều kiện dao động lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm như hiện nay mà những con tôm phải chen chúc trong một môi trường nước tệ hại như vậy mà chúng không “ngã bệnh” mới là chuyện lạ! Ngoài ra, do thời gian đầu thấy dễ “kiếm tiền” nên những hộ trên cát ở Phù Mỹ “xé rào” luôn cả chuyện thời vụ. Họ không cho ao nuôi nghỉ ngơi lấy một thời gian nào. Thu hoạch xong là thả nuôi ngay vụ sau để kịp làm 3 vụ/năm, không màng đến cả việc cải tạo ao nuôi. Biến động lớn về môi trường đã đẩy mạnh tốc độ phát sinh của vi khuẩn và chúng chính là “thủ phạm” gây bệnh cho tôm.

Theo dự báo của ngành Thuỷ Sản Bình Định thì trong thời gian tới đây, khó khăn sẽ còn chồng chất đối với nghề nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ. Năm vừa rồi Bình Định không có mưa lớn, môi trường nước không có điều kiện được làm sạch. Nguy cơ hạn hán trong năm nay sẽ làm tăng hàm lượng muối trong nước càng thêm bất lợi cho môi trường nước nuôi. Do vậy, nếu những vụ nuôi tiếp đến mà những hộ nuôi ở đây vẫn còn thả tôm mật độ cao, nuôi dày vụ và không bảo vệ môi trường thì thiệt hại sẽ là rất khó lường.