00:00 Số lượt truy cập: 3230177

Điện Biên: Tả Phìn giảm đói nghèo từ thực hiện mô hình vùng đặc thù 

Được đăng : 03/11/2016

Tả Phìn là xã vùng cao xa xôi, nghèo khó của huyện Tủa Chùa. Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, phần lớn diện tích là núi đá, khoa học kỹ thuật chậm đến với bà con, nên năm 2001 trở về trước, đời sống của đại bộ phận nông dân gặp khó khăn. Trước thực trạng đó, Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình XĐGN vùng đặc thù cho hàng trăm hội viên nông dân vay bò giống, dê giống theo hình thức luân chuyển; cấp giống lúa, ngô mới, kiên cố hóa hệ thống kênh mương, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.


Đến Tả Phìn vào một ngày trung tuần tháng 2, bên những quả đồi có độ dốc vừa phải, từng đàn bò béo mượt đang thong dong gặm cỏ. Tại cánh đồng rộng lớn thôn Háng Sung, nhiều người dân đang chăn dắt bò. Ông Mùa A Sùng, một người dân hưởng lợi dự án chỉ tay về phía đàn bò nói như khoe: 4 con bò và bê này của gia đình tôi; còn số bò kia của nhà Lành, nhà Hương, nhà Lồng... Không phấn khởi sao được, vì từ chỗ là hộ nghèo, thiếu công cụ hỗ trợ sản xuất, năm 2002, ông được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 1 con bò giống. Chủ động nguồn thức ăn, tiêm thuốc thú y đúng định kỳ, 6 năm qua, bò mẹ đẻ 4 bê con. Thực hiện cam kết, ông Sùng chuyển một con bò sắp đến tuổi trưởng thành cho gia đình khác trong bản nuôi. Từ khi được cấp bò giống, vừa làm sức cày kéo, các thành viên trong gia đình không phải mất nhiều thời gian cuốc đất. Vợ ông dành nhiều thời gian chăm sóc con cái, nội trợ...

Bằng hình thức cho vay theo hướng luân chuyển, năm 2002, có 138 gia đình của xã Tả Phìn được cấp bò giống. Hội Nông dân tỉnh triển khai một số lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò; bà con làm chuồng nuôi nhốt cẩn thận, nên tổng đàn tăng nhanh qua từng năm. Thống kê của Hội Nông dân tỉnh, 7 năm qua (2002 - 2008) có thêm 190 gia đình hội viên nông dân xã Tả Phìn được cấp bò theo hướng luân chuyển để nuôi.

Thăm một số gia đình, thấy bà con dự trữ thức ăn thô cho bò đầy đủ. Những ngày mùa đông giá rét, bà con để bò ở nhà, cho ăn thêm rơm, cỏ khô; dùng bạt nilông hoặc đan phên nứa thưng quanh chuồng giữ ấm. Bà con ý thức “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, do đó nhiều gia đình dành ngô, lúa nghiền bột làm thức ăn cho bò.

Bên cạnh đầu tư bò giống, Hội Nông dân tỉnh cấp 368 con dê cho 184 hộ nuôi (bình quân mỗi hộ 2 con). Là giống gia súc đẻ dày, đẻ nhiều và tương đối dễ nuôi, nên tổng đàn tăng nhanh. Hiện nay, đàn dê của Hội Nông dân Tả Phìn có 1.247 con. Các gia đình: Mùa A Thu, Mùa A Láng, Sùng A Tú... có từ 7 - 10 con dê. Trong chuyến đi thực tế tại Tả Phìn, bà Từ Tuyết Dung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: Mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả, mỗi năm có hàng chục hội viên thoát nghèo. Phương châm của Hội là sẽ duy trì mô hình XĐGN vùng đặc thù tại Tả Phìn để tất cả hội viên nông dân cùng hưởng lợi.

Rời bản Háng Sung, chúng tôi đến bản Na Sa. Tranh thủ những ngày nắng ấm, bà con tập trung ra đồng làm cỏ, tỉa giặm lúa và bón phân đợt một. Được biết, vụ chiêm xuân năm nay, bà con dân bản Na Sa gieo cấy 100% lúa Nhị ưu 838 và Nghi hương 2308. Có sự thay đổi cách nghĩ, cách làm trên là nhờ nhiều năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã đầu tư kinh phí triển khai trồng thí điểm các loại giống lúa mới. Hội tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, bà con tham quan, học hỏi cách làm, áp dụng vào thực tế. Năm 2008, bình quân năng suất lúa của Tả Phìn đạt 45tạ/ha (tăng 10tạ so với năm 2002). Ngoài các dự án nói trên, Hội Nông dân tỉnh còn triển khai việc chuyển giao kỹ thuật trồng ngô tại 2 thôn Tả Phìn 1 và Tả Phìn 2. Tùy vào mùa vụ, bà con gieo ngô trực tiếp hoặc gieo bầu trước khi mang ra ruộng để giành năng suất cao. Được biết, trước đây do trồng nhiều giống ngô địa phương, trồng chay nên năng suất thấp.

Những năm gần đây, nông dân Tả Phìn trồng ngô đúng kỹ thuật, bón phân cân đối, làm cỏ kịp thời nên năng suất đạt 21tạ/ha (cao hơn trước 8,5tạ/ha). Từ kết quả mô hình XĐGN vùng đặc thù do Hội Nông dân tỉnh đầu tư, đến nay Hội Nông dân huyện Tủa Chùa đã có kế hoạch chỉ đạo các chi, tổ hội nông dân xã Tả Phìn duy trì hình thức hoạt động, bà con tích cực trao đổi kinh nghiệm, học hỏi cách làm hay, cùng nhau thoát đói nghèo.