00:00 Số lượt truy cập: 2677823

Đô Lương(Nghệ An): Để có những cánh đồng giá trị cao 

Được đăng : 03/11/2016

Những năm trước đây, mức thu nhập trên đất hai lúa ở Đô Lương mới chỉ đạt 26-27 triệu đồng/ha/năm. Những năm gần đây nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện đã xây dựng được những cánh đồng có giá trị cao.


Ở xã Tân Sơn, trước đây bà con chủ yếu độc canh cây lúa nước, đời sống gặp không ít khó khăn. Ngay từ năm 2000 lãnh đạo xã đã năng động quy hoạch cho bà con trồng dưa chuột trên đất lúa.Từ chỗ 2 ha, đến nay đã nhân rộng trên 7 ha. Giống dưa chuột ở đây là giống cũ năng suất thấp hơn nhưng có chất lượng nên đầu ra rất thuận lợi. Đến thời điểm hiện nay cả 3 vụ/năm xã trồng trên 20 ha. Xã thâm canh theo công thức 2 dưa+1 lúa, cho thu nhập gần 150 triệu/ha/năm. Trong năm nay xã đã mạnh dạn đưa cây bí xanh vào trồng 1,4 ha ở xóm 9 đã cho hiệu quả rõ nét. Ông Đào Công Chung chủ tịch xã cho biết: Xã đã có những biện pháp khuyến khích kịp thời cho nông dân như hỗ trợ 100% nilon trồng dưa hấu, bí xanh...đặc biệt là trích ngân sách kéo điện ra đồng, hỗ trợ 50% tiền khoan giếng, kiên cố hoá kênh mương, số tiền gần 100 triệu đồng.

Xã Đông Sơn, trước đây sau vụ gặt đồng thường bỏ hoang. Bằng những nỗ lực đến nay xã đã hình thành được những cánh đồng rau có giá trị cao trên tổng diện tích 30 ha, chủ yếu là các loại rau bắp cải, hành hoa, xu hào...với mức thu nhập đạt từ 120-130 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Khánh ở xóm 7 cho biết: Nghề trồng rau một vốn bốn lời, trồng một sào rau chỉ mất khoảng 250.000 tiền giống, cộng với chăm sóc cho thu hoạch 3-4 triệu đồng/sào/năm. Vấn đề quan tâm hiện nay là Đông Sơn đang cố xây dựng cánh đồng đạt chất lượng rau sạch. Trích ngân sách đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng kênh mương, ao chứa nước sạch.

Ông Nguyễn Minh Châu-Trưởng phòng nông nghiệp huyện cho biết: Đến thời điểm này huyện đã xây dựng được 120 ha cánh đồng có giá trị cao, bình quân ở 32 xã, thị trấn đều có từ 1-2 cánh đồng giá trị cao. Nhìn chung tất cả đã khai thác phát huy được từng loại đất, để trồng các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Như vùng ven Thị trấn các xã Lưu Sơn, Đặng Sơn...chủ yếu trồng dâu tằm tơ, lạc+dưa hè+dưa xuân. Các xã Đại Sơn, Thái Sơn, Trung Sơn có tổng quy mô 12 ha, được xây dựng từ năm 2004, có 201 hộ gia đình tham gia sản xuất. Đây là các vùng đất đặc biệt khó khăn của Đô Lương, được huyện hỗ trợ 60 triệu đồng. Qua gần một năm thực hiện, cả ba mô hình đều đạt hiệu quả và sẽ triển khai nhân rộng trong năm tới. Cụ thể mô hình đất cát xấu ở Đại Sơn từ chỗ thu 35 triệu đồng/ha/năm, nay thu 54 triệu đồng/ha/năm, với phương thức lạc xuân+ngô đông+đậu xanh. Xã Thái Sơn với công thức lạc xuân+dưa hấu hè+lạc đông, đạt 50 triệu đồng ha/năm, tăng trên 21 triệu so thu nhập cũ. Xã Trung Sơn cơ cấu Dưa hấu xuân+dưa hấu hè+bí đại địa, đạt 55,4 triệu đồng, tăng trên 22 triệu đồng so với trước. Nhiều địa phương còn sáng tạo trồng gừng trong nhà rộng 500m2, cho thu hoạch 1,5 tấn/sào, thu 4- 5 triệu/sào/năm...Về cơ chế chính sách huyện đã hỗ trợ kịp thời về giống, nilon, phân bón, xây dựng cơ bản.

Chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông dân...Một số xã trích ngân sách đưa vào xây dựng mô hình như Đại Sơn 12,5 triệu đồng, Lưu Sơn 15 triệu đồng, Hoà Sơn 10 triệu đồng...Mục tiêu chính từ nay đến năm 2010 phấn đấu mỗi xã phải chuyển đổi 50% diện tích sang trồng, cây, con có giá trị cao. Tăng cường công tác quản lý thuỷ lợi giao thông, khuyến khích nhân dân đầu tư cơ sở hạ tầng cho cánh đồng có giá trị cao. Đưa các tiến bộ KHKT mới, giống mới có năng suất đến người nông dân.

Với những nỗ lực ấy hi vọng Đô Lương sẽ có bước chuyển mình rõ nét, thu nhập từ cánh đồng có giá trị cao sẽ là mũi nhọn phát triển kinh tế hiệu quả trong công tác xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống người dân.