Theo thống kê, vụ hè thu năm 2008, diện tích gieo sạ lúa của ĐBSCL đã lên đến gần 1,5 triệu ha, cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Lúa được giá, quên tôm
Trước thực tế nghề nuôi tôm có rủi ro cao, nhiều ngư dân ở những vùng nuôi tôm bắt đầu chuyển sang trồng lúa. Tại Kiên Giang, gần 3.000 ha tôm - lúa ở vùng U Minh Thượng và huyện Gò Quao đã chuyển hẳn sang trồng lúa hè thu. Chưa bao giờ nông dân lại phấn khởi như vụ đông xuân và xuân hè vừa qua, vì năng suất của 2 vụ lúa này đạt bình quân gần 6 tấn/ha. Lại thêm lúa được giá đã làm cho nông dân trở lại gắn bó với cây lúa. Còn những vùng sản xuất lúa- tôm thì tranh thủ cơ hội này để mở thêm diện tích trồng lúa. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên 3 xã giáp ranh với tỉnh Cà Mau (là Tân Phong, Tân Thạnh và Phong Thạnh Tây của huyện Giá Rai, Bạc Liêu) chuyển từ mô hình chuyên tôm sang lúa- tôm. Ở 2 huyện Phước Long và Hồng Dân, diện tích lúa- tôm cũng tăng thêm 20% - 50% so với năm 2007.
Anh Thạch Sên là một trong những nông dân đầu tiên ở xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vừa san ủi gần 8 công đất nuôi tôm sú để chuyển sang trồng lúa. Anh Sên quả quyết: “Nuôi con gì cũng không bằng trồng lúa, lời ít nhưng chắc ăn hơn”. Không riêng gì anh Sên, nhiều nông dân tại Vĩnh Châu và một số địa phương khác ở Sóc Trăng thấy lúa có giá nên rủ nhau san ủi ao tôm để trồng lúa trở lại. Hiện đã có gần 30 ha nuôi tôm được nông dân chuyển sang trồng lúa và con số này sẽ còn tăng trong nay mai.
Hạ sát hoa màu, cây trái
Những ngày qua, không chỉ “phụ” tôm “chuộng” lúa, nhiều nhà vườn và những hộ chuyên canh hoa màu ở ĐBSCL cũng chạy đôn, chạy đáo tìm phương tiện cơ giới để hạ sát các loại cây trồng một thời cho thu nhập cao để quay lại trồng lúa. Tỉnh Vĩnh Long có khoảng 500 ha đất trồng cây ăn trái, trồng màu tại các huyện Tam Bình, Bình Minh, Bình Tân, Long Hồ được cải tạo thành ruộng gieo sạ lúa hè thu. Tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, diện tích trồng màu bắt đầu giảm. Còn tại vùng đất chuyên trồng khóm và tràm của huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), người dân cũng bắt đầu san lấp đất để gieo sạ lúa. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Hồng Dân, tính đến giữa tháng 6- 2008, gần 100% ha đất trồng khóm (khoảng 400 ha) đã chuyển sang canh tác lúa. Trong khi đó, gần 100 ha diện tích trồng tràm cũng bị người dân hạ sát để thay bằng cây lúa.
Cân nhắc kỹ trước khi chuyển đổi Diện tích lúa hè thu năm nay tăng là tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo: “Bà con nông dân cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định bỏ vật nuôi- cây trồng này để chuyển sang trồng cây khác (lúa). Việc chuyển đổi đất cho phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi sẽ rất tốn kém, nhưng chưa chắc mang lại hiệu quả như mong muốn. Đối với đất đã nhiễm mặn, việc cải tạo sẽ mất nhiều thời gian, tiền của”. Cũng theo kỹ sư Hồ Quang Cua, dù có chuẩn bị tốt, nhưng những năm đầu chuyển đổi, năng suất lúa cũng không thể cao được. Còn theo một lãnh đạo của ngành nông nghiệp huyện Phước Long (Bạc Liêu) thì: “Nông dân không nên ồ ạt chuyển sang trồng lúa. Bởi lẽ, hiện tại hệ thống thủy lợi của huyện chưa hoàn chỉnh, trong khi đó nó phải vừa điều tiết nước cho nuôi trồng thủy sản lẫn phục vụ cho trồng lúa. Trồng lúa sẽ chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tưới tiêu và không tránh khỏi khả năng mất mùa vì lúa bị nhiễm phèn, mặn”. |