00:00 Số lượt truy cập: 3235642

Đồng Nai: Chế biến dăm cây ngô xuất khẩu 

Được đăng : 03/11/2016
Ở Ðồng Nai gần đây mới hình thành nghề chế biến dăm từ thân cây ngô để xuất khẩu. Cả tỉnh chỉ mới có ba cơ sở chế biến đặt tại ba xã thuộc hai huyện Trảng Bom và Xuân Lộc, công suất tổng cộng 200 tấn/ngày, hoạt động nhộn nhịp mỗi năm ba mùa theo vụ trồng bắp.

Anh Hồ Sáu, chủ cơ sở chế biến dăm ngô tại xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) cho biết, toàn bộ sản phẩm được một doanh nghiệp nước ngoài bao tiêu. Ðây là một nghề đầy tiềm năng bởi nhu cầu của khách hàng rất lớn và diện tích trồng ngô của địa phương cũng rất lớn. Do đó, anh đã có kế hoạch đầu tư mở rộng nhà xưởng, tăng cường máy móc thiết bị để nâng công suất lên gấp hai lần. Theo chị Hoàng Thị Thọ, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, để trồng ngô thu hoạch thân cây đạt hiệu quả cao, người trồng phải chủ động ngay từ đầu vụ, chọn giống có ưu thế cây cao to, lá dày và dài như các giống M95, C919, NK 172, NK 51, NK 66... Chu kỳ sinh trưởng của cây ngô là 115 ngày, nhưng cây ngô đạt trọng lượng cao nhất vào ngày thứ 80 tính từ ngày xuống giống, bởi đây là thời điểm thân cây phát triển cao nhất, to nhất, lá dài và dày nhất, hạt bắp cũng vào thời kỳ chín sữa, nên thu hoạch thân cây đạt hiệu quả cao nhất.

Chị Nguyễn Thị Vân, ở xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom) có ba ha trồng ngô, năng suất cao nhất 10 tấn, thấp nhất bảy tấn/ha hạt ngô tùy mùa vụ, năm nay, chị chuyển một nửa diện tích sang trồng ngô thu hoạch cây, sử dụng giống NK 51, nửa còn lại trồng ngô thu hoạch hạt. Ðể xác định hiệu quả, chị thực hiện cùng cách chăm sóc. Ðến vụ thu hoạch, năng suất thân bắp đạt 70 tấn/ha, được cơ sở chế biến thu mua với giá 700 đồng/kg. Nửa phần còn lại kéo dài thêm 25 ngày, thu hoạch được 10 tấn hạt/ha và sau đó phải mất thêm năm ngày dọn rẫy tổng cộng kéo dài thời gian thêm một tháng, nhưng bán hết sản phẩm mức lãi đạt được cũng ngang với bán thân bắp. Vụ tới chị sẽ tăng thu nhập bằng cách tận dụng thời gian thu hoạch sớm một tháng để gieo sạ rau mầm, là một loại rau có thời gian gieo trồng cực ngắn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên không có dư lượng thuốc kháng sinh và đang được thị trường ưa chuộng.

Nhưng khó khăn mà các cơ sở chế biến đang gặp chính là thu mua nguyên liệu. Một cơ sở nhỏ công suất chỉ 50 tấn/ngày, nhưng thường phải "chạy" nguyên liệu cách xa cả trăm cây số, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao mà nguyên nhân chỉ vì người trồng ngô vẫn còn quan niệm bán cây ngô cũng giống như bán lúa non, dễ bị ép giá. Ðể phá bỏ quan niệm này, thiết nghĩ, các cơ sở sản xuất cần có chiến lược đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ vừa bảo đảm cung cấp đủ nguyên liệu để sản xuất vừa giảm chi phí vận chuyển đồng thời còn có thể tăng giá mua nguyên liệu thu hút nhiều người trồng ngô, bán cây ngô làm nguyên liệu chế biến dăm.