Trong năm 2014, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều dự án, đề tài góp phần giúp cho cán bộ, hội viên nông dân các cấp được tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến, tiếp cận thương mại điện tử, mở rộng giao thương thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Hội đã tham gia 3 dự án cấp Bộ gồm: Xây dựng và phát triển mô hình cây thanh long ruột đỏ có hiệu quả cao tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai; Xây dựng mô hình sản xuất nấm theo hướng GAP tại huyện Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai; Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tại 02 xã vùng sâu Mã Đà, Phú Lý huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.
Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình cây thanh long ruột đỏ có hiệu quả cao tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai” đã giúp cán bộ, hội viên nông dân tiếp nhận kiến thức về kỹ thuật trồng cây thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, nắm vững kỹ thuật về trồng và chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch theo hướng GAP. Dự án là tiền đề hình thành các hợp tác xã thanh long ruột đỏ và phát triển vùng nông sản hàng hóa mới trên địa bàn tỉnh.
Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nấm theo hướng GAP tại huyện Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai” được triển khai thực hiện với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất giống nấm có chất lượng cao, từng bước ổn định và xây dựng thương hiệu cho các làng nấm trong tỉnh. Kết quả đã tiếp nhận 14 quy trình kỹ thuật về sản xuất nấm theo hướng GAP. Xây dựng cơ sở sản xuất giống nấm theo hướng GAP. Cung cấp giống nấm linh chi, nấm sò, nấm mộc nhĩ cho các đơn vị, hộ trồng nấm ở các huyện như Xuân Lộc, Trảng Bom, Tân Phú, Vĩnh Cửu và Định Quán. Đã tổ chức các cuộc hội thảo ở các huyện Trảng Bom và Long Khánh với hơn 100 hội viên, nông dân tham dự.
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá tại 02 xã vùng sâu Mã Đà, Phú Lý huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai”. Kết quả đã xây dựng thành công mô hình nuôi bò đực giống Brahman và laisind (có 20 hộ nông dân tham gia). Qua đó bước đầu hình thành mạng lưới kỹ thuật chăn nuôi thú y từ xã đến hộ chăn nuôi.
Hội cũng đã thực hiện 3 Đề tài cấp tỉnh, trong đó có Đề tài: “Nghiên cứu các biện pháp phục hồi vườn càphê Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai”. Nội dung nghiên cứu đề xuất những giải pháp nhằm trẻ hóa và hồi phục lại vườn cà phê cằn cỗi để có thể khai thác hiệu quả, đề xuất các biện pháp xen canh thích hợp nhằm tăng hiệu quả kinh tế của vườn, tăng cường giống mới phổ biến và chuyển giao kỹ thuật cho hội viên, nông dân trồng cà phê.
Đề tài:“Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất nhằm ổn định chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy chuẩn ASEAN GAP đối với bưởi và sầu riêng hàng hóa sản xuất tại Đồng Nai”. Nội dung: nghiên cứu xây dựng cẩm nang thực hành GAP cho bưởi, xoài, sầu riêng hàng hoá. Xây dựng Quy trình cẩm nang được xác định để việc triển khai phù hợp với thực tiễn sản xuất bưởi, xoài, sầu riêng hàng hoá ở Đồng Nai nhưng vẫn đáp ứng được những đòi hỏi về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn của thị trường chất lượng cao (như yêu cầu trong tiêu chuẩn EUREP GAP, ASEAN GAP). Phổ biến phương pháp nghiên cứu, biện pháp thực hành GAP, quy định kiểm tra và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP để chuyển giao cho cán bộ nông nghiệp trong tỉnh để có thể hướng dẫn thực hành GAP cho bưởi, xoài, sầu riêng hàng hoá.
Đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống bưởi đường lá cam ít hạt, phục tráng giống bưởi ổi và xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi kết hợp du lịch sinh thái vườn tại vùng bưởi Biên Hoà - Đồng Nai”. Với mục tiêu nghiên cứu chọn tạo giống bưởi đường lá cam ít hạt, phục tráng và chọn tạo giống bưởi ổi tốt, hình thành vùng bưởi đặc sản của vùng mang tính cạnh tranh cao. Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh, xen canh theo hướng canh tác tiên tiến, giúp nâng cao nâng suất, chất lượng và cung cấp nhiều chủng loại trái cây đáp ứng yêu cầu hình thành vùng du lịch sinh thái vườn tại vùng bưởi Biên Hoà - Đồng Nai. Chọn tạo được giống bưởi đường lá cam ít hạt. Sản phẩm đề tài phục tráng và chọn tạo giống bưởi ổi tốt. Xây dựng được các mô hình như mô hình thâm canh tiên tiến bằng một số kỹ thuật mới; mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM; mô hình trồng xen phục vụ nhu cầu du lịch sinh thái vườn. Chuyển giao đến nông dân bằng hình thức tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, phòng trừ IPM trên bưởi và ấn loát và tài liệu hướng dẫn.
Hai đề tài, dự án cấp ngành mà Hội tham gia gồm: Đề tài: “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ một số sâu bệnh hại chính trên cây mãng cầu xiêm và xây dựng mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai”, kết quả đạt được như sau: quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp và quy trình canh tác theo hướng GAP; phát sổ tay hướng dẫn qui trình canh tác mãng cầu xiêm theo quy chuẩn VIETGAP, tập huấn cho nhà vườn về thực hành sản xuất trái mãng cầu xiêm theo quy chuẩn VIETGAP và tổ chức tham quan mô hình sản xuất cây ăn trái đã được chứng nhận GAP cho 30 người.
Dự án: "Xây dựng mô hình sản xuất – tiêu thụ rau an toàn theo hướng VIETGAP tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai" đã đạt được kết quả: Xây dựng được mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, nhà màng; Xây dựng quy trình sản xuất rau an toàn tại xã Long Phước: Rau cải ngọt, cải xanh, xà lách, rau muống, rau dền, rau mồng tơi, cải thìa, cải bó xôi, tần ô, ngò rí và tía tô./.