Trong vài năm gần đây, do lo sợ bị dịch cúm gia cầm hoành hành nên người chăn nuôi không mấy mặn mà đầu tư phát triển đàn gia cầm. Thế nhưng ở xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai vẫn có một nông dân đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng chuồng trại để nuôi vịt siêu đẻ kết hợp với lò ấp trứng.
Mô hình chuồng trại chăn nuôi vịt siêu đẻ của gia đình ông Nguyễn Văn Tánh ở ấp Bình Minh (xã Xuân Hiệp) được đầu tư bài bản và khoa học. Khu vực chăn thả vịt đẻ được bao bọc bằng lưới mềm, xây dựng từ thấp đến cao. Phần thấp tiếp xúc với nguồn nước suối, nên vịt có thể dễ dàng bơi lội dưới môi trường nước. Phần cao là nền xi măng, trên là giàn mướp để giảm độ nắng nóng, nối liền với khu chuồng trại để cho vịt vào ở ban đêm. Với mô hình này, gia đình ông Tánh luôn duy trì đàn vịt siêu đẻ khoảng 5.000 con, có lúc lên đến 10.000 con. Ông cho biết: "Nuôi loại vịt này không khó nhưng cần phải dành nhiều thời gian theo dõi chúng và chú trọng đến công tác phòng chống dịch mới có thể thành công".
Có được nguồn trứng dồi dào, ông Tánh nghĩ đến việc ấp trứng để sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ. Sau nhiều lần nghiên cứu học hỏi, ông đã được Trường đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh chuyển giao công nghệ lò ấp trứng vịt công suất cao. Ông cho biết, lò ấp này luôn có trên 100.000 ngàn trứng. Sau 20 ngày ấp sẽ thành trứng lộn và đúng 1 tháng sẽ nở vịt con. Mỗi ngày ông cung cấp cho thị trường khoảng 3.000 trứng lộn và trên dưới 1.000 con vịt giống. Theo tính toán của ông, với 5.000 vịt siêu đẻ, một tháng tiêu tốn khoảng 180 triệu đồng cho chi phí thực phẩm và công lao động. Trong khi đó với giá trứng trung bình 2.500 đồng quả, sau khi trừ toàn bộ chi phí, gia đình ông có lãi ròng mỗi tháng 60 triệu đồng. Ngoài ra, còn có số vịt nuôi giảm khả năng đẻ trứng được đem bán cũng thu thêm một khoản tiền đáng kể.
Ông Trần Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hiệp, cho biết: "Xuân Hiệp đã quy hoạch 17 trang trại, trong đó có 4 trang trại chăn nuôi gia cầm. Chúng tôi vận động cho các chủ trang trại áp dụng đúng quy trình chăn nuôi theo khuyến cáo của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, nên trong những năm qua các trang trại trong xã đã không để dịch bệnh xảy ra".