00:00 Số lượt truy cập: 3229312

Đồng Nai: Người nuôi gà trong cơn bĩ cực 

Được đăng : 03/11/2016
Người nuôi gà ở khu vực Đồng Nai đang điêu đứng vì giá gà liên tục giảm mạnh. Nhiều gia đình hồi đầu năm khi giá gà đang ở mức kỷ lục  đã không ngần ngại vay mượn, dốc toàn bộ vốn liếng để tăng đàn, mở rộng quy mô chuồng trại, nay tới kì thu hoạch không bán được, lâm cảnh sống dở chết dở.

Cung vượt cầu

Ông Nguyễn Thanh Quang – Chủ trại gà 2.000 con ở xã Phú Sơn, Trảng Bom, Đồng Nai cho biết, đầu năm 2009 giá gà thương phẩm trên thị trường đột nhiên tăng cao nên mỗi trang trại ở đây thu lợi hàng trăm triệu. Vì thế, nhiều người đã tập trung đầu tư xây thêm chuồng trại, mở rộng quy mô tăng đàn. Đến nay đúng vào thời điểm xuất chuồng thì giá gà trên thị trường liên tục giảm. Từ đầu tháng 7/2009 đến nay gà bất ngờ giảm mạnh, từ 32.000 đồng xuống còn 24-25.000 đồng/kg gà tam hoàng và từ 26.000 đồng xuống còn 17-18.000 đồng/kg gà công nghiệp. Với giá gà như hiện nay thì người nuôi lỗ nặng.

Trao đổi với NNVN, nhiều người chăn nuôi ở khu vực huyện Trảng Bom, Đồng Nai cho biết, giá gà thả vườn, gà công nghiệp đã giảm trên 10.000đ/kg so với hai tuần trước đó. Dù giá gà đang giảm mạnh, tuy nhiên để bán được cũng khó vì thương lái đang “thừa đục thả câu” mặc sức làm giá vì cung đang vượt cầu.

Chúng tôi về huyện Thống Nhất, nơi có đàn gà thương phẩm nhiều nhất Đồng Nai với khoảng 700.000 con. Chị Lê Thị Mai ở ấp Lê Lợi 2, xã Quang Trung nói chán chường: “Hồi đầu năm nhà tôi nuôi 3.000 con gà công nghiệp, sau 7 tuần xuất bán với giá từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, thu lợi trên 30 triệu đồng. Thế nhưng, khoảng 1 tháng nay chi phí đầu vào cho việc chăn nuôi gà tăng rất cao (200.000đ/bao 25kg), trong khi đó giá gà giảm mạnh, khiến cho gia đình tôi đang bị lỗ nặng. Với giá gà công nghiệp 17.000 - 18.000 đồng/kg thì cứ 1.000 con gà xuất chuồng nhà tôi lỗ trên 20 triệu (lỗ khoảng 18-20.000đ/con)”.

Tương tự, ông Trần Quang Thông ấp Dốc Mơ, xã Gia Tân cũng đang đứng ngồi không yên bởi giá gà tụt dốc…không phanh! Ông Thông cho biết, hồi tháng 5 gia đình ông gom góp vay mượn được 120 triệu đồng để đầu tư nuôi 3.000 con gà tam hoàng. Đến nay gà tới tuổi xuất chuồng thì giá giảm mạnh, không những không thu hồi được vốn mà còn lỗ gần 40 triệu đồng. Theo ông Thông, hiện nay ở khu vực Gia Tân rất nhiều người nuôi gà đang bỏ trống chuồng do thất bát và không có điều kiện tái đầu tư…Ông Thông khẳng định: Tôi nuôi gà tính đến nay đã 7 năm, nhưng chưa có lần nào thua lỗ nặng nề như hiện nay. Hiện giá gà tam hoàng chỉ 25.000 đồng/kg trong khi giá cám đã lên tới hơn 200.000 đồng/bao/25kg. Giá cám quá cao, giá gà quá thấp không lỗ nặng thì mới là chuyện lạ.

Ông Phạm Minh Đạo – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, tình trạng giá gà biến động mạnh như hiện nay là quy luật tất yếu của thị trường như những mặt hàng nông, hải sản khác.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là hiện nay quy mô chăn nuôi của chúng ta nhỏ lẻ, phân tán nên thị trường  xảy ra biến động là “chao đảo” ngay. Việc mua bán còn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên giá biến động cũng là điều hiển nhiên.

Do vậy, chỉ khi chúng ta làm thật tốt được việc liên kết “4 nhà” thì mới hi vọng tránh được tình trạng này. Ngoài ra, ở đất nước nông nghiệp như chúng ta nhưng thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu, vẫn phải lệ thuộc thì người chăn nuôi sẽ còn khó dài dài. Hiện Sở NN-PTNT Đồng Nai đang nỗ lực tìm giải pháp bền vững để giải quyết những vướng mắc còn tồn tại nêu trên.

Ông Lê Văn Mẽ - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP chăn nuôi Phú Sơn,  một DN có trang trại heo, gà lớn bậc nhất tỉnh Đồng Nai cho hay: “1 tháng qua giá heo, gà liên tục giảm, do đó không ai bán, cứ găm hàng chờ tăng. Vậy nhưng càng găm, giá càng giảm sâu trong khi giá TĂCN thì không ngừng tăng nên chi phí đội lên rất nhiều. Hiện giá khô dầu đậu nành đã tăng khoảng 1.000/kg so với tuần trước, các loại cá cũng tăng khá mạnh từ 2.000-2.5000đ/kg…

Thực tế tại chợ Hóa An, TP. Biên Hòa (Đồng Nai), chị Trần Thị Tình, người có thâm niên bán thịt gà 10 năm ở đây cho biết: “Trước đây một ngày tôi bán từ sáng đến 5 giờ chiều là hết 200 kg thì nay chỉ bán được chừng trên dưới 100kg. Tiểu thương chúng tôi ở đây cũng lấy làm lạ, không hiểu vì lý do gì mà hiện nay nhu cầu tiêu thụ thịt gà rất thấp, hàng thường xuyên dội chợ trong khi nguồn cung rất lớn". 

“Có lẽ do chúng ta đang nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ nước ngoài vào quá nhiều đã khiến cho thị trường bị phân tán”-một cơ sở giết mổ, buôn bán gia cầm nhận định. Đưa ý kiến này ra trao đổi với ông Lê Văn Mẽ, ông này cho rằng, đó không phải là nguyên nhân chính, nhưng cũng có phần tác động. "Các cơ quan chức năng cần công khai lượng thịt gia súc gia cầm mỗi tháng nhập về VN là bao nhiêu để DN và người chăn nuôi tính toán, đo lường thị trường, đầu tư sản xuất. Nếu cứ tù mù thông tin như hiện nay thì tình trạng cung vượt cầu, người chăn nuôi thua lỗ là điều khó tránh khỏi"-ông Mẽ nói.