Cùng với cây thuốc lá, cây mãng cầu vốn được xem là loại cây truyền thống của xã Phú Lộc, nhưng với lối canh tác cũ theo kiểu trồng chay, thu hoạch trái để ăn chơi nên chất lượng của mãng cầu không ngon, trái lại không đồng đều. Để nâng cao chất lượng của loại trái cây này, từ cuối năm 2006, xã Phú Lộc đã thành lập câu lạc bộ (CLB) mãng cầu chất lượng cao để đưa mãng cầu trở thành hàng hoá trên thị trường. CLB mãng cầu đầu tiên ở xã Phú Lộc được thành lập gồm 50 thành viên là những hộ nông dân có kinh nghiệm trồng mãng cầu lâu năm với diện tích canh tác khoảng 45 ha. Công việc đầu tiên của CLB là mời cán bộ của Trạm khuyến nông huyện đến hướng dẫn kỹ thuật thâm canh đồng thời tổ chức cho các hội viên đi tham quan các vườn mãng cầu ở tỉnh Tây Ninh. Ngay sau đó, tất cả các vườn cây của CLB đều được cải tạo lại bằng cách loại bỏ những cây già cỗi, trồng cây mới, tăng cường bón phân hữu cơ theo từng giai đoạn phát triển, nhất là lúc cây chuẩn bị kết trái, tưới nước trong mùa khô. Sau đó, tất cả vườn cây đều được thực hiện tỉa bớt cành và ngắt bớt những trái non, chỉ để lại khoảng từ 35 đến 50 trái/cây; bình quân mỗi cây cho khoảng 10 kg trái với những trái to đồng đều, giá bán cao gấp nhiều lần so với các loại trái thập cẩm trước đây. Với cách làm nói trên, các thành viên CLB mãng cầu chất lượng cao đã có lãi nhiều hơn, bình quân thu nhập trên 50 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ do chăm sóc tốt nên thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/ha. Hiện nay, CLB mãng cầu năng suất cao ở Phú Lộc đang cung ứng cho thị trường phần lớn là mãng cầu loại nhất, không còn mãng cầu bi (loại mãng cầu nhỏ) như trước nữa. Ông Nguyễn Văn Phó, chủ nhiệm CLB mãng cầu chất lượng cao xã Phú Lộc cho biết: Hiện sản lượng mãng cầu của CLB đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường, cung không đủ cầu. Nhiều hộ nông dân trồng mãng cầu trong xã đang học tập cách làm nói trên của CLB và không ít người đã gia nhập CLB. Ông Phó cũng cho biết: "Khi có đông hội viên tham gia vào CLB, chúng tôi sẽ phối hợp cùng với các ngành chức năng xây dựng thương hiệu cho loại trái cây thế mạnh của Phú Lộc".
Còn tại xã Xuân Bảo thuộc huyện Cẩm Mỹ là xã đầu tiên ở Đồng Nai trồng và phát triển cây mãng cầu xiêm mang lại hiệu quả cao hơn bất cứ loại cây trồng nào, kể cả các loại cây trồng truyền thống trong xã như cà phê, tiêu, chôm chôm. Gần 300 ha mãng cầu xiêm tập trung ở các ấp Tân Hạnh, Tân Mỹ và Nam Hà do được chăm sóc chu đáo đã cho năng suất bình quân từ 40 đến 50 tấn/ha với giá bán tại vườn ở mức 5000 đồng/kg khiến các nhà vườn có mức thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Cây mãng cầu xiêm được trồng ở Xuân Bảo từ lâu, nhưng trước đây bà con nông dân chỉ trồng xen trong vườn cây ăn trái để ăn chơi. Mặt khác, mãng cầu xiêm có nhược điểm lớn là tỷ lệ trái đậu rất ít và người tiêu dùng chỉ mua trái non để cúng giỗ vào dịp Tết Nguyên đán nên không mấy ai chú trọng trồng. Song mấy năm gần đây thấy được giá trị của trái mãng cầu xiêm được dùng để chế biến đóng hộp, làm mứt bán rộng rãi trên thị trường và nhất là khi thấy gia đình ông Huỳnh Quang Vinh thành công trong việc thụ phấn cho hoa bằng tay đạt tỷ lệ đậu trái rất cao nên các nhà vườn đã chú trọng phát triển loại cây này. Ông Huỳnh Thành Vinh kể: Sau nhiều năm nghiên cứu đặc tính nuôi dưỡng, sinh trưởng, lai tạo giống cây mãng cầu xiêm mà đặc biệt là các sách hướng dẫn kỹ thuật của Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, ông Vinh đã thành công trong việc thụ phấn bằng tay cho cây đạt tỷ lệ trái đậu hơn 90% nên vườn cây nhà ông luôn sai hoa, trĩu quả. Thấy ông Vinh làm ăn có hiệu quả, bà con trong xã đến học tập kinh nghiệm làm theo và được ông Vinh chỉ dẫn tận tình, kết quả phần lớn vườn cây trong xã đều cho năng suất cao. Trong 2 năm trở lại đây, mãng cầu xiêm đã có giá trên thị trường được nhiều thương lái đến tận vườn mua trái nhưng cung vẫn không đủ cầu. Do hiệu quả kinh tế của cây mãng cầu xiêm rất cao nên nhiều nông dân ở Xuân Bảo đang tích cực chuyển đổi diện tích vườn cây ăn trái lâu năm đã già cỗi sang trồng mãng cầu xiêm và tập trung thâm canh ngay từ khi mới trồng, tránh tình trạng trồng chay./.