00:00 Số lượt truy cập: 3235587

Đồng Nai: Rau an toàn Phú Lâm đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng 

Được đăng : 03/11/2016
Tại xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, lần đầu tiên các sản phẩm rau an toàn đã được trồng hiệu quả đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng.

Hiệu quả

Mặc dù mô hình trồng rau an toàn được áp dụng trồng thử nghiệm tại xã Phú Lâm từ gần 2 năm nay nhưng giờ đây nó mới thực sự được người tiêu dùng biết đến. Hiện đã có hơn 150 hộ trồng rau an toàn với gần 30 ha tại xã Phú Lâm, cho thu nhập trung bình trên 3 triệu đồng/sào/tháng. Đây là kết quả cao đối với người nông dân trồng rau ở xã.

Khi được Trạm khuyến nông huyện đầu tư hệ thống nhà lồng lưới để thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn, người dân địa phương đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi theo hướng canh tác mới. Các đợt kiểm nghiệm chất lượng của công ty Vinarau ở Long Khánh và Công ty thuốc bảo vệ thực vật IBM cho thấy rau tại đây rất đảm bảo về chất lượng và cho năng suất cũng tương đối cao. Theo ước tính, sau vài tháng chăm sóc, nhất là thời điểm vào vụ, mỗi ngày 1 hộ cũng bán được khoảng trên 3 tạ rau. Với giá từ 3.500- 3700 đồng/kg, trừ chi phí có thể thu lợi trên 10 triệu đồng (từ 30- 40 triệu đồng/năm). sau trồng 20- 30 ngày có thể thu lời khoảng 3 triệu đồng/sào/hộ.

Từ hiệu quả về kinh tế và chất lượng, xã Phú Lâm đã thành lập câu lạc bộ IBM rau an toàn tại ấp Thanh Thọ 1 và Thanh Thọ 3 với gần 200 thành viên. Câu lạc bộ này chuyên tập trung trồng các loại cải xanh, cải ngọt, diếp, khổ qua, dưa leo, rau thơm, hành, hẹ, su hào, xà lách và các loại rau màu khác để cung cấp trên 20 tấn rau mỗi ngày cho các thương lái từ Bình Thuận, TPHCM và các tỉnh lân cận đặt mua.

Thách thức

Để thực hiện trồng rau an toàn trước hết các nhà vườn phải sử dụng kỹ thuật canh tác (khá nghiêm ngặt) theo đúng các tiêu chí quy định. Như phải dùng phân hữu cơ hoai mục, hạn chế tối đa dùng thuốc hóa học…

Việc đầu tư mỗi sào nhà lưới gồm cột bê tông, dây kẽm và hệ thống tưới nước tự động cũng mất khoảng 5 triệu đồng. Nhưng điều khó khăn nhất vẫn là đầu ra của sản phẩm rau an toàn chưa được đánh giá đúng mức. Trước hết là do sự hạn chế về nhận biết của người tiêu dùng giữa rau an toàn và rau trồng tự do. Rau trồng với mô hình an toàn thường có mẫu mã xấu hơn, không óng mướt như rau trồng tự do, bởi không dùng thuốc kích thích. Do vậy rau an toàn vẫn còn bị đánh đồng với các loại rau trồng tự do, giá bán như nhau trong khi trồng rau an toàn chi phí cao hơn, năng suất có thể chỉ bằng 2/3 rau trồng tự do. Như một luống rau cải có chiều diện tích 25m x 1m trồng thông thường cho thu 120kg sản phẩm, nhưng trồng theo phương pháp an toàn chỉ được từ 60 đến 80kg.

Chính vì vậy rất cần một giải pháp tích cực đồng bộ từ các cơ quan quản lý để người tiêu dùng yên tâm có sản phẩm an toàn sử dụng. Điều này cũng giúp các nhà vườn yên tâm phát triển rau an toàn.