00:00 Số lượt truy cập: 3231384

Đồng Nai: Tạo sự liên kết trong sản xuất nấm 

Được đăng : 03/11/2016
Đồng Nai là một trong những địa phương có nghề trồng nấm khá phát triển, đạt sản lượng trên 20.000 tấn nấm thành phẩm/năm. Tuy nhiên, việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu các phương tiện kỹ thuật... đang khiến tiềm năng này chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nhằm khắc phục hạn chế trên, giải pháp được các ngành chức năng Đồng Nai đưa ra là liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nấm.

Nghề dễ làm, cần ít vốn

Nghề trồng nấm ở Đồng Nai phát triển mạnh từ những năm 1980, đến nay, toàn tỉnh đã có 26 xã, phường và 1.397 hộ làm nấm.

TS. Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai cho biết: “Địa phương chúng tôi hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển nghề trồng nấm, từ khí hậu đến nguồn nguyên liệu hay kinh nghiệm của người dân… Đây là nghề dễ làm, đòi hỏi vốn và công ít nhưng lợi nhuận cao”. Sản phẩm nấm rất dễ tiêu thụ, tại TP. Hồ Chí Minh, nấm mèo khô được thu mua với giá 25.000 - 90.000 đồng/kg; nấm đóng hộp, nấm muối 50.000 - 150.000 đồng/kg.

Trên thực tế, có rất nhiều hộ giàu lên nhờ trồng nấm như ông Đỗ Đức Bình ở ấp 2, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Ông Bình có khoảng 100.000 bịch nấm các loại, mỗi năm thu lãi 200 triệu đồng. Bà Phạm Thị Thái ở ấp An Hòa (xã Tây Hòa) chuyên trồng nấm kim châm, chỉ với 0,4ha đất mà mỗi ngày thu hoạch 200kg nấm thành phẩm, thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ có nông dân mà nhiều doanh nghiệp cũng phát tài nhờ nấm. Điển hình là Công ty TNHH Dona, khi mới thành lập (2003), chỉ có 10 trại nấm, nhưng đến nay đã phát triển lên 46 trại, năng suất 1,8- 2 tấn nấm/trại/ngày.

Hiệu quả chưa tương xứng

Với những thuận lợi trên, lẽ ra nghề trồng nấm ở Đồng Nai phải được chuyên nghiệp hoá, tuy nhiên, số hộ thu lãi lớn từ nghề này chưa nhiều. Theo TS. Sáng: “Nguyên nhân là do quy mô còn nhỏ lẻ, chỉ trong phạm vi hộ gia đình, nông dân chủ yếu bán sản phẩm thô nên giá trị không cao; hệ thống tiêu thụ chủ yếu do tư thương quản lý khiến giá cả bấp bênh”.

Trong vấn đề tiêu thụ, khâu chế biến vô cùng quan trọng, quyết định giá trị của sản phẩm. Ví như nấm mèo, nấm trắng tai lớn, nếu không bị vỡ, nấm tươi được đóng gói hút chân không, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bán sẽ được giá cao hơn nhiều so với hiện nay.

Ông Sáng cho rằng, để nghề nấm phát triển, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn chỉnh khâu sản xuất giống, xác định được nguyên liệu phù hợp với từng loại nấm, đổi mới công nghệ trồng và chăm sóc, hoàn thiện kỹ thuật thu hái, bảo quản sản phẩm, có hệ thống trồng - thu mua - chế biến - tiêu thụ, xây dựng thương hiệu uy tín, thành lập hiệp hội nấm để thông tin và giúp đỡ nhau cùng phát triển…

Nhiều doanh nghiệp muốn làm đầu mối bao tiêu sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, tuy nhiên họ phải được ngành chức năng đứng ra làm cầu nối. Bà Trần Lê Thu Thảo, Giám đốc Công ty Dona nói: “Nông dân chưa phát huy được hiệu quả của nghề nấm do làm ăn nhỏ lẻ, không nắm vững kỹ thuật lại bị tư thương ép giá. Chúng ta cần khắc phục nhược điểm trên, liên kết thành hợp tác xã”.

Được biết, tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nghề nấm, phấn đấu đến năm 2012 toàn tỉnh có 2.500 đến 2.800 cơ sở trồng nấm, đạt sản lượng 50.000 tấn nấm, doanh thu 5.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nếu những hạn chế trên chưa được khắc phục, nghề nấm sẽ tự đánh mất cơ hội phát triển.