Anh Thắng cho biết hệ thống tưới nước tiết kiệm được Trung tâm khuyến nông tỉnh Đồng Nai hỗ trợ mua và lắp đặt khoảng 20 triệu đồng gồm máy bơm điện lấy nước từ giếng khoan lên bồn tưới đặt trên cao, sau đó dùng các loại ống nhựa với các kích cỡ khác nhau đưa nước tới từng gốc tiêu. Khi đến chu kỳ bón phân, dùng phân bón hoà vào bồn nước để dẫn tới từng gốc cây, vừa tiết kiệm được nguồn phân, vừa tạo điều kiện cho cây phát triển đồng đều thay vì bón phân trực tiếp vào gốc rồi xả nước tràn như trước đây. Làm theo cách trên, năng suất vườn tiêu của gia đình không ngừng tăng, không những thế còn tiết kiệm được khoảng 100 công lao động trong việc bón phân và làm bồn tưới; giảm được khoảng 700 m3 nước và hơn 100 lít dầu dùng cho máy bơm tưới cho 1 ha/năm. Tuy mức đầu tư ban đầu cho hệ thống tưới tiết kiệm khá cao, nhưng chỉ sau từ 1 đến 2 năm sử dụng đã hòan vốn do năng suất cây trồng tăng cao.
Cùng ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm như trên, gia đình ông Lê Nam ở ấp Gia Lào, xã Suối Cao cũng ở huyện Xuân Lộc đã chuyển 1 ha vườn sang trồng giống tiêu Vĩnh Linh và mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống và chăm sóc theo đúng quy trình công nghệ cao nên năng suất tiêu tăng đột biến từ 2 tấn lên 5 tấn, rồi 7 tấn/ ha. Ông Nam cho biết: việc lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm còn giúp cho người trồng giảm 2/3 công lao động và một số nhiên liệu, vật tư đầu vào như dầu, nước tưới, phân bón trong khi cây vẫn phát triển tốt, ít sâu bệnh. Anh Nguyễn Thế Bảo ở xã Xuân Hưng có 5 ha xoài trồng trên vùng đất sỏi đỏ đã lắp đặt hệ thống tưới nước và bón phân qua đường ống cho vườn cây hơn 3 năm qua cho biết: Nhờ hệ thống tưới nói trên, gia đình đã tiết kiệm được 1/4 lượng phân bón so với cách bón thủ công và giảm được 80% công lao động, góp phần giảm chi phí đầu vào khoảng 5 triệu đồng/ha/năm và năng suất vườn xoài tăng từ 20 đến 25% so với trước đây. Nhờ đó, trong 3 năm qua, vườn xoài của gia đình anh Bảo luôn cho thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ mọi chi phí.