Đồng Tháp: làm vườn theo quy trình GAP
Được đăng : 03/11/2016
Đồng Tháp được trời ban cho những mảnh đất màu mỡ do phù sa bồi đắp, tạo nên miệt vườn hoa trái trĩu cành, xóm làng trù phú. Trái cây Đồng Tháp từ xưa đã "vang danh" khắp miền với xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, bưởi Phong Hoà, quýt Lai Vung... Đây cũng chính là những cây trái chủ lực đang được Hội Làm vườn tỉnh chọn để xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.
Từ lâu, người dân phương Nam quen gọi Cao Lãnh là “vương quốc” của xoài vì nơi đây có 4.000ha cây ăn trái thì xoài cát Hoà Lộc và xoài cát Chu, hai giống xoài thơm ngon, chiếm hơn một nửa diện tích. Ngoài ra, Cao Lãnh còn có các giống xoài Thơm, Tượng, Thanh Ca Độ... Khoảng tháng Tư hàng năm, đi trong những miệt vườn xanh mướt, du khách có cảm giác như lạc vào “thiên đường” bởi trước mắt là những chùm xoài vàng ươm, da căng mọng...
“Nếu Cao Lãnh là “vương quốc” của xoài thì Châu Thành là mảnh đất tụ hội hàng trăm loài cây trái, từ chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, mít, dừa, sa-pô (hồng xiêm), măng cụt, … đặc biệt là nhãn. Hiện, diện tích trồng nhãn ở Châu Thành khá lớn, đặc biệt là nhãn tiêu, bởi đây là giống cho trái to, hạt lép, cơm dày, độ ngọt có thể sánh ngang với nhãn lồng Hưng Yên. Ngoài ra, quýt hồng Lai Vung cũng là đặc sản giá trị mà hiếm địa phương nào ở Đồng bằng sông Cửu Long trồng được. Nơi này có thổ nhưỡng đặc thù với loại đất màu mỡ gà, nguồn nước ngọt dồi dào nên quýt không chỉ cho nhiều quả mà còn to đều, vàng óng, nhiều nước, vị ngọt thanh. Huyện Lai Vung hiện có hơn 1.000ha đất chuyên trồng quýt hồng. “Với những loại trái cây đặc sản cho giá trị kinh tế cao như thế, Hội làm vườn của tỉnh có nhiều thuận lợi để khai thác tiềm năng và phát triển kinh tế. Tỉnh hiện có 23.000ha cây ăn trái. Hàng ngàn hội viên đã trở thành triệu phú từ cây ăn trái và trang trại VAC. Tuy nhiên, hội viên và người làm vườn trong tỉnh còn biết “nhìn xa trông rộng”, đã và đang xây dựng những vườn trái cây theo tiêu chuẩn GAP và mô hình kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hoá”.
Năm 2007, Hội làm vườn của tỉnh đã triển khai hàng loạt mô hình khuyến nông VAC theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VIET GAP), chủ yếu trên xoài cát Hoà Lộc, cát Chu và cây có múi.
Riêng quý I/2008, Hội làm vườn của tỉnh đã triển khai xây dựng 3 mô hình kinh tế VAC sản xuất an toàn ở các xã Tịnh Thới, Hoà An và phường 6 (TP. Cao Lãnh). Nhờ sự thành công của mô hình, tỉnh Hội thu hút thêm 45 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 14.040 người. Ngoài ra, tỉnh Hội còn tổ chức 2 lớp huấn luyện về sản xuất trái cây GAP cho 80 hội viên.
Quý II/2008, HLV Đồng Tháp sẽ tiếp tục triển khai mô hình này cho 3 tổ hợp tác sản xuất trái cây an toàn ở 3 xã Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây và Hoà An (TP. Cao Lãnh) với 40 hội viên tham gia. Trong quý II này, Hội làm vườn của tỉnh sẽ tổ chức 6 lớp huấn luyện cho bà con về quy trình kỹ thuật thực hành nông nghiệp tốt, trồng bưởi cho trái quanh năm, ra hoa theo ý muốn, cách tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích… để từng bước nâng cao kiến thức cho hội viên.