00:00 Số lượt truy cập: 3228251

Đông Triều - những hồ chết cá 

Được đăng : 03/11/2016
Việc một loạt hồ thuỷ nông của Đông Triều ô nhiễm và mất dần nguồn sinh thuỷ đang trực tiếp đe doạ năng suất cây trồng, giảm nguồn lợi thuỷ sản và có thể còn là một nguy cơ đối với nguồn nước sạch dân sinh trong tương lai gần


Nạn kiệt rừng và tốc độ khai than lộ thiên ồ ạt dọc cánh cung Đông Triều (Quảng Ninh) trong vòng nửa thập niên trở lại đây đang biến một loạt các hồ thuỷ lợi cung cấp nước cho hàng ngàn hécta đất canh tác nông nghiệp và phát triển nghề nuôi thuỷ sản tại đây bị bồi lấp và ô nhiễm nặng nề. Những giải pháp khắc phục đã được tiến hành, nhưng vô cùng chậm chạp và hiệu quả cũng thật mỏng manh.

"Chạch cũng phải chết"

Chúng tôi theo Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoàng Quế Nguyễn Trọng Phu bước xuống chà lúa chưa gặt của cánh đồng Nội Hoàng như bước xuống một ruộng rơm khô xơ xác và bạc phếch toàn lúa lép.

Ông Phu bảo: "Lẽ ra dịp này mùa đã gặt quang rồi. Nhưng mà lúa lép quá, dân tình ngao ngán. Lắm nhà chả thiết ra đồng". Hoàng Quế vốn là xã thuần nông gồm 400ha canh tác do 2 hồ thuỷ lợi Nội Hoàng và Cổ Lễ với sức chứa khoảng 4,2 triệu mét khối cung cấp nước tưới. Nhưng 5 năm trở lại đây, cả hai hồ đều đã bị bồi lấp và dung tích chỉ còn khoảng 60 - 65%. Đáng ngại hơn là tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề bởi axít và các ôxýt kim loại.

Độ phì (pH) xác định chỉ còn 3,5 khiến tất cả các cánh đồng đều chua hoá. Năng suất lúa trước kia luôn đạt từ 43 - 45tạ/ha thì giờ đây 35 - 38tạ/ha đã là cao nhất. Riêng vụ mùa 2006, mức bình quân tiếp tục giảm xuống chỉ còn 30tạ/ha. Nếu tính các chi phí sản xuất từ vôi khử chua đến phân bón, thuốc trừ sâu, thuế khoá... Xem như vụ này bà con ta đã "ngửa vai cho trời xem" !

Cách cánh đồng nơi chúng tôi đứng không xa là hồ Cổ Lễ. Chỗ nông nhất chồi lên một bạt sen tàn tạ. Đây là hồ bị ô nhiễm nặng nhất. Bởi vì nước được cấp ra từ hồ Nội Hoàng ở về phía thượng nguồn và trước khi dồn về đây còn đi qua một vùng đổ thải dày đặc của mỏ than Tràng Bạch dù đã ngừng sản xuất cách đây nhiều năm.

Chủ nhiệm HTX Hoàng Quế mô tả: " Ngoài ít cá trê và cá chuối còn sót lại, các loài cá từng nuôi thả ở đây đều tuyệt giống. Mùa đông ken, nước xả đến đâu, cá chạy dạt ra đến đó.

Còn lòng mương thì phơi ra một lớp bùn màu gạch cua dày tới 20 - 25cm. Đến chạch cũng không sống nổi. Riêng vụ mùa này, vô số những chà lúa sớm tự nhiên vàng lụi đi rồi gốc rạ thối dần. Phun tới cơ man là thuốc chống sâu đục thân, nhưng vô hiệu. Cái chính là vì nguồn nước không còn đủ độ kiềm".

Được biết: 2 năm 2005 - 2006, tỉnh Quảng Ninh đã chi 4,2 tỉ đồng từ Quỹ bảo vệ môi trường do ngành than trích nộp để nạo vét và xây kè chắn đất đá, nhằm cải tạo lại hồ này, song vẫn còn thiếu gần 1,2 tỉ đồng theo kế hoạch. Nhưng điều cốt lõi, lại nằm ở đập chứa hồ Nội Hoàng cách Cổ Lễ 3km về phía bắc.

Ô nhiễm ngay từ thượng nguồn

Mặt nước hồ Nội Hoàng xanh rợn mặc dù bao quanh là con đường vận tải than 24/24 giờ mù mịt bụi. Đó là một màu xanh hệt như thứ dung dịch sun phát đồng vẫn thường có trong các phòng hoá nghiệm cho thấy nồng độ ôxýt ở đây đậm đặc biết chừng nào. Đi sâu vào trong là cả một vùng đồi núi lở loét bề bộn các công trường khai thác thuộc hai Cty than Mạo Khê và Uông Bí. Nhà sàng Tràng Khê (Cty than Uông Bí) công suất 1.500T/ngày chặn ngay phía thượng nguồn hồ.

Cạnh đó là một bãi thải khổng lồ đang mỗi ngày đổ rộng ra hơn, lấp kín một trong hai con suối lớn - nguồn sinh thuỷ chính của hồ. Đã có một thời gian dài, đây từng là bãi rác thải từ thị trấn Mạo Khê hàng ngày đưa tới đổ. Còn bây giờ, người ta tiếp tục phủ lên bằng đá sít đổ ra từ nhà sàng. Suốt cả vùng chân núi xưa kia xanh rì, giờ đây dường như không một bóng cây tránh nắng ngoài vài hàng bạch đàn đen nhẻm lưa thưa ven bờ. Mất rừng đầu nguồn, hồ Nội Hoàng giảm hẳn 1/3 dung tích và vẫn đang đứng trước nguy cơ bị cắt đứt toàn bộ nguồn sinh thuỷ.

Từ đây, theo đường vận tải than đi sang hướng tây nam là hồ Cầu Cuốn, sức chứa 1,5 triệu mét khối cung cấp nước tưới cho 150ha canh tác của xã Yên Thọ. Tương tự như hồ Nội Hoàng, hồ Cầu Cuốn cũng ôxýt hoá và đang bị bồi lấp, dung tích chỉ còn chưa đầy 1 triệu mét khối.

Chị Nguyễn Thị Miến, nông dân thôn Yên Lãng 3 - xã Yên thọ nói: "Tôi cấy 5 sào, nhưng 3 sào mất trắng. Mà vôi khử chua đã bón tới 2 lần. Thuốc trừ sâu phun tới 3 lần. Vậy nhưng, mười bông mất bảy. Có khu đồng trông như cờ lau cả loạt".

Nhưng không chỉ có các hồ như Nội Hoàng, Cổ Lễ và Cầu Cuốn. Hiện tại, 8/15 hồ do Cty thuỷ lợi Đông Triều quản lý đang lâm vào tình trạng bị bồi lấp và ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là các hồ Khe Ươn I, Khe Ươn II, Rộc Chày, Yên Dưỡng, Tân Yên. Thậm chí, cả hồ Bến Châu - một trong số hồ lớn nhất dung tích 8 triệu mét khối, cung cấp cả nguồn nước canh tác và sinh hoạt cho 4 xã và một nông trường với hàng vạn nhân khẩu 2 năm gần đây cũng đã bắt đầu chết cá hàng loạt mỗi khi bắt đầu mùa mưa do khai thác than lộ thiên đã tràn sang 2 lưu vực thượng nguồn đó là Bãi Bằng và Hồ Thiên.

Dự án "rùa bò"

Việc một loạt hồ thuỷ nông của Đông Triều ô nhiễm và mất dần nguồn sinh thuỷ đang trực tiếp đe doạ năng suất cây trồng, giảm nguồn lợi thuỷ sản và có thể còn là một nguy cơ đối với nguồn nước sạch dân sinh trong tương lai gần.

Kỹ sư Đoàn Văn Chiến - Giám đốc Cty thuỷ lợi Đông Triều - cho biết: "Nếu 10 năm trước, các hồ ở đây trung bình mỗi năm mất đi 30% dung tích, thì bây giờ mức tổn hao càng khó xác định. Chúng tôi đã tiến hành khá nhiều cuộc nạo vét. Nhưng hoàn toàn không dễ dàng. Đá cục từ các lòng hồ không bơm nào chịu nổi. Sau nữa, bùn hút lên không biết chở đi đâu. Đổ lên bờ thì rồi mưa lại trút trả lại. Bằng không".

10 năm, từ 1996, ngành quản lý thuỷ nông huyện liên tục có các dự án cải tạo lòng hồ, xây kè chắn đất đá với mức kinh phí như muối bỏ bể. Bởi mức dự án đầu tư một, thì năng lực và tốc độ mở rộng diện khai thác than lớn gấp trăm lần. Hầu hết các vùng đầu nguồn đều bung bét. 8 hồ chứa nước nêu trên không hồ nào chưa từng qua cải tạo. Song, kinh phí đầu tư nhỏ giọt, dự án từ khi đệ trình cho đến khi được cấp kinh phí kéo dài hàng năm trời.

Tổng kinh phí mà riêng huyện Đông Triều nhận được nhiều năm qua mới khoảng 11 tỉ đồng, chỉ đủ phân bổ cho và ba hồ chứa như Nội Hoàng và Cổ Lễ. Xét cho cùng, cải tạo cũng chỉ là giải pháp tình thế và không thể nào bền vững nếu tình trạng khai thác than lộ thiên khu vực đầu nguồn vẫn lan tràn như hiện nay.