00:00 Số lượt truy cập: 3229419

Đồng bằng sông Cửu Long: Đã khống chế được bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá 

Được đăng : 03/11/2016

Theo Cục Bảo vệ Thực vật, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện gieo sạ được 1,4 triệu ha lúa hè thu, đạt 88% kế hoạch. Dự kiến đến cuối tháng 6/2009, toàn vùng sẽ xuống giống dứt điểm 0,2 triệu ha còn lại. 80% diện tích lúa đã gieo sạ áp dụng biện pháp né rầy, đồng loạt nên diện tích bị nhiễm rầy chỉ có 20.000 ha trên các trà lúa đang đẻ nhánh, trổ đòng (chỉ chiếm chiếm 1,4% diện tích đã gieo sạ) thấp nhất trong 11 vụ lúa, tính từ năm 2006 đến nay. Phần lớn diện tích nhiễm rầy ở mức độ nhẹ. Đặc biệt không còn xuất hiện bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (VLLXL) trên lúa.



Các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh VLLXL các cấp, phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp “4 đúng” để phòng trừ sâu rầy; khuyến cáo bà con không bón thừa phân đạm, tăng lượng phân kali ở lần thúc cây lúa sau khi sạ 40 – 45 ngày để lá lúa không phát triển quá dày, cây lúa không đổ ngã, ít nhiễm sâu bệnh. Các địa phương theo dõi chặt diễn biến rầy nâu và xuống giống né rầy thành công; không gieo sạ rải rác nhiều trà lúa trong một khu vực nên bệnh VLLXL không xuất hiện trở lại. Riêng tại các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, TP Cần Thơ, ngoài biện pháp né rầy, nông dân còn áp dụng thêm biện pháp “ôm nước”, tức là chủ động cho nước vào ruộng theo mức cao thấp khác nhau trong quá trình gieo sạ né rầy. Khi cây lúa đã mọc mầm lá từ 1-5 lá mà bị rầy nâu di trú đến bám vào thì cho nước vào ruộng để giảm sự đeo bám của chúng. Mực nước trên được duy trì mỗi khi rầy đến bám vào cây lúa. Riêng ban đêm, cần cho nước lên ngập đọt lúa, sáng thì rút nước. Khi hết đợt rầy di trú, bà con cho nước xuống như bình thường (ngập xăm xắp gốc lúa). Bà con còn sử dụng các giống lúa đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo đồng thời áp dụng các biện pháp “3 giảm 3 tăng,”, ‘1 phải 5 giảm”, IPM. Nhờ đó, diện tích nhiễm rầy nâu giảm đến mức thấp nhất, bệnh VLLXL đã không tái xuất hiện./.