00:00 Số lượt truy cập: 2637759

Đồng bằng sông Cửu Long: Nguy cơ sâu bệnh tấn công lúa thu đông 

Được đăng : 03/11/2016

Vụ thu đông năm nay, các tỉnh vùng ngập lũ sông Cửu Long gieo sạ gần 200.000 ha. Hiện nay, trà lúa sớm ngoại thành thành phố Cần Thơ với diện tích gần 40.000 ha đã thu hoạch nhưng năng suất bình quân giảm 2 tạ/ha so với vụ thu đông năm ngoái. Năng suất thấp, giá vật tư nông nghiệp và nhân công tăng, thất thoát trong và sau thu hoạch lớn nên thu nhập của người dân trong vụ lúa thu đông năm nay chỉ từ hoà đến lỗ.


Điều đáng lo ngại là những trà lúa thu đông chưa thu hoạch do gieo sạ muộn ở các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang... đang có nguy cơ bị sâu bệnh tấn công, đặc biệt nhiều khả năng tái bùng phát dịch vàng lùn và lùn xoắn lá rất dễ ảnh hưởng đến vụ đông xuân tới. Ước tính tại các tỉnh phía Nam sông Hậu: Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ đã có gần 5.000 ha lúa thu đông bị sâu bệnh tấn công tập trung tại một số huyện vùng trũng: Phước Long, Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu), Ngã Năm, Mỹ Tú, Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng)... trong đó riêng tỉnh Bạc Liêu có trên 2.000 ha lúa bị nhiễm rầy; thành phố Cần Thơ đã có 700 ha bị bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá và đang đe dọa sẽ lây lan ra diện rộng nếu chủ quan. Các tỉnh phía Nam Sông Hậu có truyền thống trồng lúa thu đông và lúa mùa. Thực tế cho thấy trồng lúa thu-đông bộc lộ nhiều hạn chế và rủi ro do ảnh hưởng lũ lụt, thời tiết bất lợi, sâu bệnh nhiều và năng suất rất bấp bênh, thường chỉ bằng 1/2 năng suất vụ đông xuân.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang những mô hình làm ăn kinh tế khác như: lúa - tôm, lúa - màu... tại những vùng thuần nông này gặp nhiều khó khăn do tập quán canh tác của người dân, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, đầu ra của nông sản hàng hóa chưa ổn định. Mặc dù đã tích cực cảnh báo hạn chế trồng lúa thu đông nhưng chỉ riêng tỉnh Hậu Giang năm nay vẫn gieo trồng trên 10.000 ha.