00:00 Số lượt truy cập: 3231482

Đồng bằng sông Cửu Long: Ô nhiễm môi trường từ việc nuôi cá ba sa 

Được đăng : 03/11/2016
Hơn 400 tấn cá tra nuôi bè tại thị trấn Thốt Nốt (Cần Thơ) đã bị chết. Những phân tích ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy vùng nước ô nhiễm trên sông Hậu đã kéo dài trên 20km. Trong những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL phát triển rất nhanh chóng. Đi đôi với sự phát triển đó là ô nhiễm môi trường nguồn nước do nuôi trồng thủy sản ở khu vực này đã trở thành vấn đề bức xúc.

Ô nhiễm trầm trọng

Hàng năm các nguồn chất thải do nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL, thải ra khoảng gần 500 triệu m3 bùn thải và chất thải nuôi trồng thủy sản.Riêng chất thải nuôi cá tra, cá ba sa đã trên 2 triệu tấn/năm. Nguồn chất thải độc hại này hiện nay vẫn chưa được xử lý triệt để và thải vào sông rạch trong khu vực. Các chất thải nuôi trồng thủy sản là nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư sử dụng như hóa chất và thuốc kháng sinh, vôi và các loại khoáng chất. Chất thải ao nuôi công nghiệp có thể chứa đến trên 45% Nitrogen và 22% là các chất hữu cơ khác, là nguồn có thể gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thủy sản phát sinh trong môi trường nước. Mất cân bằng sinh thái trong nuôi trồng thủy sản thể hiện rõ nét ở tình trạng dịch bệnh phát sinh trên diện rộng do ô nhiễm môi trường ở các mô hình nuôi thâm canh cá tra, cá ba sa... làm tổn thất kinh tế rất lớn. Môi trường nước trên sông Tiền, sông Hậu và các kênh rạch vùng ngọt hóa đã có dấu hiệu nhiễm bẩn hữu cơ. Với các mô hình nuôi thâm canh càng cao, quy mô công nghiệp càng lớn thì lượng chất thải lại càng lớn và mức độ nguy hại càng nhiều và vấn đề mất cân bằng sinh thái càng trở nên trầm trọng.

Thực tế trong phát triển nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL những năm qua cho thấy, dịch bệnh đối với đối tượng nuôi này tăng nhanh. Nguyên nhân là do hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi cá chưa bảo đảm. Theo thạc sĩ Trần Minh Lâm (Viện Kinh tế - Quy hoạch thủy sản), nuôi cá tra, ba sa cần rất nhiều nước và phải thường xuyên thay đổi nước trong ao nuôi do khả năng lây nhiễm dịch bệnh đối với cá nuôi là rất lớn. Ngoài ra, các yếu tố như nuôi cá với mật độ quá cao, lượng thức ăn cho cá quá nhiều cũng làm ô nhiễm nguồn nước. Tại vùng này, do nguồn nước phục vụ nuôi cá chủ yếu dựa vào các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, cho nên các cống thường được thiết kế cao trình đáy cống cao hơn đáy kênh. Vì vậy, việc thoát nước ra sông lớn bị hạn chế, dẫn đến chất ô nhiễm đọng lại đáy kênh, làm tăng ô nhiễm vùng nuôi cá tra, ba sa.

Cần có công nghệ xử lý thích hợp

Từ những hạn chế về chất lượng cá giống, hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi chưa bảo đảm dẫn đến tình trạng cá tra, ba sa bị chết ngày càng tăng. Theo kết quả điều tra của Ts. Lý Thị Thanh Loan (Giám đốc Trung tâm quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2) cho thấy: Trong hai năm (2005-2006), tại các khu vực nuôi cá tra, ba sa tập trung như Châu Đốc (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp), Thốt Nốt (Cần Thơ), thị xã Vĩnh Long và huyện Long Hồ (Vĩnh Long), cá nuôi ao, bè thường nhiễm bệnh vào các tháng 5, 7. Thời điểm này, môi trường nước trong ao nuôi rất xấu do ảnh hưởng của lũ đổ về mang nhiều chất thải lẫn mầm bệnh. Cá thường bị nhiễm các bệnh vàng thân, vàng da, bệnh gan, thận mũ, xuất huyết, đốm đỏ. Kết quả điều tra tại ao nuôi của 65 hộ nuôi cá tra, ba sa có 100% số ao tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, 80% số ao ở An Giang bị nhiễm bệnh.

Để khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thủy sản cần có được quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trên cơ sở phân vùng sinh thái nước ngọt, nước mặn, nước lợ..., các hệ sinh thái phù hợp với các hình thức canh tác và các mô hình nuôi tập trung, phân tán... Đồng thời, cần có quy chế bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt quan tâm đối với các mô hình nuôi có nguy cơ ô nhiễm cao. Trong nuôi trồng thâm canh, nuôi công nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường cần tập trung xử lý chất thải nuôi trồng thủy sản, bằng các giải pháp như: Dùng các chế phẩm sinh học để xử lý triệt để các thành phần độc hại ô nhiễm có trong nước thải, chất thải thành các chất an toàn sinh thái. Các chế phẩm sinh học này là các vi khuẩn yếm khí, hiếu khí, các xạ khuẩn, nấm men... để xử lý lượng thức ăn dư thừa, các thất thải trong ao nuôi, các nguồn bùn cặn đáy ao nuôi...

Bảo vệ môi trường trong phát triển nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL là  vấn đề rất quan trọng. Vì thế Nhà nước cần sớm hoàn thiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL gắn liền với  quy hoạch bảo vệ môi trường. Đồng thời, cần có những nghiên cứu khoa học, công nghệ xử lý môi trường thích hợp.