00:00 Số lượt truy cập: 2679253

Đồng bằng sông Cửu Long: Thủy sản chết vì dầu tràn 

Được đăng : 03/11/2016
Đã nửa tháng trôi qua kể từ lúc phát hiện dầu thô trôi dạt vào bãi biển Bạc Liêu, chính quyền địa phương đang lúng túng trong việc xử lý trong khi tác hại của dầu tràn lên môi trường và đời sống người dân ven biển đã đến mức báo động. Hai biện pháp chủ yếu được tỉnh Bạc Liêu đề ra là: tập trung thu gom dầu và bí nước để hạn chế dầu tràn vào hệ thống thủy nông nội đồng. Tuy nhiên, nhiều nơi thủy sản đã bắt đầu chết.

 

Tại Hợp tác xã (HTX) Long Hải, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), nghêu trồi lên mặt nước và đã chết rải rác. Ông Huỳnh Việt Khái, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Đông Hải cho biết, trên 1.000 ha bờ biển được quy hoạch nuôi nghêu, tình trạng này khiến hàng ngàn hộ dân nghèo ở đây sẽ gặp khó khăn. Các hộ dân ven biển chuyên đi đánh lưới ghẹ, cá, tôm cho biết lượng cá tôm đã ít dần đi. Hiện tượng dầu tràn được phát hiện tại huyện Đông Hải từ ngày 20.3, ở vùng ven biển các xã Long Điền Đông, Long Điền Tây, thị trấn Gành Hào. Chính quyền địa phương vận động bà con đi thu gom và cảnh báo các hộ dân nuôi tôm không nên lấy nước vào vuông vì sợ dầu theo vào.

Cá dính dầu chết tại bãi biển Bạc Liêu - Ảnh: T.H

Tại huyện Hòa Bình, huyện đã vận động người dân và các lực lượng đoàn thể thu gom được trên 5 tấn dầu thô, nhưng chỉ là một phần nhỏ vì khó thu gom được dầu tràn ăn sâu vào các dãy rừng phòng hộ ven biển. Ông Khưu Lễ, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bạc Liêu cho biết: do dầu tràn, sợ nghêu chết nên người dân tại HTX Vĩnh Hậu phải đổ xô thu hoạch nghêu. Tuy nhiên do số lượng nghêu thu hoạch quá lớn nên giá nghêu từ 10.000 đồng/kg chỉ trong 1 ngày đã hạ xuống còn 3.000 đồng/kg. Tình cảnh này cũng xảy ra ở các hộ dân tại xã Lai Hòa, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Tại Cà Mau, dầu đã lẫn vào tôm cá của các hộ dân đánh bắt ven biển, Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau đã khuyến cáo người dân không nên bán tôm cá có lẫn dầu. Lượng dầu thô trôi dạt vào ven biển các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng chủ yếu theo con nước lớn và gió theo hướng Đông bắc. Các ngành chức năng khuyến cáo người dân ven biển nên "tăng cường quan sát", nếu phát hiện có dầu thô trôi dạt thì... báo cho chính quyền để tổ chức gom (!).

Sân nghêu Thới Thuận do HTX Rạng Đông quản lý là sân nghêu lớn nhất Bến Tre với 900 ha đang "lãnh đủ" hậu quả của dầu tràn. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ nhiệm HTX Rạng Đông cho biết, từ khi có dầu loang xuất hiện đã có hai đợt nghêu chết. Đợt đầu tiên (12 - 16.3) nghêu chết tập trung ở đầu doi Thới Bình, ước thiệt hại 100 tấn. Đợt hai từ rạng sáng 27.3 là nặng nhất khi nghêu chết trên diện tích rộng 600 ha, tập trung từ cửa sông Ba Lai đến đầu doi Thới Bình, ước thiệt hại lên đến 2.500 tấn nghêu, tương đương 20 tỉ đồng. Đến ngày 4.4, nghêu vẫn tiếp tục chết, tổng thiệt hại có thể lên đến 30 tỉ đồng. Được biết, HTX có đi thu gom nhưng chỉ được khoảng vài ký dầu vón cục còn đa phần dầu loang nên đành bó tay. Trong khi đó tại HTX Đồng Tâm, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại (Bến Tre), nơi có sân nghêu rộng 800 ha nằm gần sông Cửa Đại, cách đây 10 ngày cũng có xuất hiện dầu vón cục dọc 4 km bờ biển, nhưng chưa thấy xuất hiện dầu loang nên nghêu tại HTX Đồng Tâm chết chỉ chiếm 1-2%.

Sở Thủy sản Bến Tre đã khuyến cáo các HTX, cơ sở nuôi nghêu nên tập trung thu hoạch nhanh những sân nghêu đạt kích cỡ thương phẩm, di dời những bãi nghêu có nguy cơ dầu loang sang các khu vực an toàn, nếu phát hiện dầu xuất hiện trên bãi phải thu gom làm sạch bãi nghêu, các hộ nuôi tôm gần cửa biển cần đóng cống, không nên lấy nước nuôi tôm vào thời điểm này. Trong thời điểm hiện tại, giá nghêu thì liên tục rớt giá, từ 16.000 đồng/kg (loại 40 con) đã rớt xuống còn 7.000-8.000 đồng/kg.