00:00 Số lượt truy cập: 2679192

Đồng bằng sông Cửu Long:Thiếu nước ngọt, thừa nước mặn 

Được đăng : 03/11/2016
Đồng bằng sông Cửu Long đang vào đợt cao điểm của nắng hạn, tình trạng khan hiếm nước ngọt diễn ra gay gắt. Giá nước sinh hoạt ở một số nơi đã lên đến 60.000đ/m3. Trên một số con sông lớn, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền hơn 40km làm cho sinh hoạt của người dân lâm vào cảnh khó khăn, thiếu nước ngọt, thừa nước mặn.

Thiếu nước ngọt

Chúng tôi về xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre vào những ngày đầu tháng Tư, dưới cái nắng chói chang, gay gắt, ngay từ đầu xã đã thấy bà con nhân dân tập trung rất đông, tay cầm can nhựa, thùng chứa nước... chờ xe chở nước ngọt của tư nhân và của Nhà máy nước Bến Tre tới để mua. Đã nhiều tháng nay, tình trạng nhân dân trong xã đổ xô, tranh nhau mua nước ngọt xảy ra thường xuyên. Người mua thì nhiều nhưng người bán lại ít nên xe nước ngọt chở về lúc nào là hết lúc đó. Giá nước ngọt tại đây cũng lên cao bất thường, một xe khoảng 2m3 nước được bán với giá từ 80.000 đến 120.000 đồng, tăng gấp nhiều lần so với đầu mùa nắng hạn. Giá nước ngọt dùng cho sinh hoạt và đời sống bị đẩy lên quá cao, nhưng không phải lúc nào cũng có để mua. Toàn xã Thạnh Phước có hơn 2.000 hộ thiếu nước ngọt, nhưng chỉ có gần 10 chiếc xe chở nước ngọt lấy từ các con sông cách trung tâm xã gần 10km về bán. Chị Nguyễn Thị Mùi, người dân thuộc ấp Phước Bình, bức xúc nói:

- Đã hơn hai tháng nay, gia đình tôi 4 miệng ăn, mỗi tháng phải mất gần 200.000 đồng mua nước ngọt để nấu cơm, đun nước uống; còn tắm giặt đều bằng nước mặn, chỉ khi tắm xong mới lấy nước ngọt tráng qua. Không hiểu họ chở nước ở đâu về, chất lượng ra sao mà ăn uống cứ thấy lợ lợ, dùng pha trà không thấy xanh, tươi như trước, uống không thấy ngon. Tuy nhiên do thiếu nước, chúng tôi vẫn phải mua và sử dụng, không còn lựa chọn nào khác.

Tình hình thiếu nước ngọt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày càng phức tạp, trong đó thiếu gay gắt là các tỉnh: Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang. Tại xã đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 4.000 dân trên xã đảo đang bước vào cao điểm thiếu nước ngọt. Các giếng trên đảo đã cạn kiệt, không thể đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chính vì vậy đã đẩy giá nước giếng lên đến 60.000 - 70.000đ/m3, nhưng không phải lúc nào cũng có. Ông Lê Minh Công, Chủ tịch UBND xã đảo cho biết:

- Theo dự báo thời tiết thì trong tháng 4 này tình trạng nắng nóng còn gay gắt hơn. Nếu đúng như vậy thì chẳng mấy chốc, hơn 9.000 dân ở xã Nam Du và xã An Sơn bị thiếu nước ngọt. Chúng tôi đang tìm cách khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt trên đảo nhưng cũng khó giải quyết được khi tất cả các giếng nước trên đảo cạn kiệt do hạn hán. Biện pháp cuối cùng chắc phải chở nước ngọt từ đất liền ra để cung cấp cho bà con nhân dân.

Ngay tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, tình trạng thiếu nước ngọt cũng trầm trọng, nhất là xã biên giới Mỹ Đức. Người dân nơi đây cứ chiều chiều chen lấn nhau vượt hơn 3km vào tận khu vực Hồ Sen trong trung tâm thị xã để kéo nước ngọt; những người không lấy được đành phải mua với giá 3 nghìn đồng một can nhựa 20 lít. Nếu tình trạng hạn hán còn kéo dài thêm một tháng nữa thì thị xã Hà Tiên cũng sẽ bị thiếu nước ngọt trầm trọng.

Ngoài việc thiếu nước ngọt để ăn, uống, một số nơi còn thiếu nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp làm cho năng suất lúa và hoa màu giảm đáng kể, gây thiệt hại cho nhân dân. Hiện nay, 141 kênh rạch, với chiều dài khoảng 490km thuộc vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đang trơ đáy, không còn nước cung cấp cho tưới tiêu; vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang và Kiên Giang mực nước thấp hơn mọi năm từ 20 đến 40cm, nhiều kênh rạch không còn đủ nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thừa nước mặn

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn đang phải đối phó với hiện tượng xâm nhập mặn của nước biển tràn vào nội đồng. Theo Sở NN và PTNT tỉnh Bến Tre thì hiện nay nước mặn theo các dòng chảy của các con sông lớn như Hàm Luông, Cửa Đại đã vượt 50km vào đến thị xã Bến Tre. Nước trên các con sông này đã bị nhiễm mặn khoảng 10 phần nghìn và không thể sử dụng được. Hàng nghìn héc-ta vườn cây ăn trái, lúa, hoa màu, cây cảnh của huyện Châu Thành và Chợ Lách bị nhiễm mặn đang trong tình trạng khô héo, chết dần, không thể cứu chữa được.

Tại Kiên Giang, tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng cũng diễn ra gay gắt. Ngay tại một số nơi thuộc thành phố Rạch Giá, nước mặn cũng đã xâm nhập và đang lan nhanh đến các kênh thủy lợi nội đồng của các huyện: Tân Hiệp, Châu Thành, Hòn Đất, An Minh, An Biên. Đặc biệt, một số huyện như Châu Thành, Tân Hiệp, Hòn Đất là huyện chuyên canh lúa nên người dân và chính quyền địa phương lo lắng bị nước mặn làm ảnh hưởng đến diện tích lúa, nhất là số đang trong thời kỳ chuẩn bị thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Mạnh, người dân ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang lo lắng:

- Để nước mặn không xâm nhập vào nội đồng, chúng tôi phải đầu tư đắp đập ngăn mặn và tổ chức bơm nước ngọt cho hoa màu, từ đó chi phí sản xuất tăng lên, ảnh hưởng đến thu nhập của mỗi gia đình. Theo tôi, chính quyền địa phương cần có biện pháp trước mắt cũng như lâu dài để hằng năm người dân trong vùng ngọt hoá không phải nơm nớp lo nước mặn xâm nhập làm ảnh hưởng đến đất canh tác và cuộc sống.

Hiện tượng nước mặn tràn vào nội đồng đang diễn ra ở khắp nơi từ huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang; huyện Bình Đại, thị xã Bến Tre, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre; đến các huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang... gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, lao động sản xuất của nhân dân trong vùng.

Giải pháp nào cho vùng hạn, mặn?

Mực nước sông Cái Tư, huyện Bình Đại (Bến Tre) xuống thấp nhất do khô hạn gay gắt.Ảnh: Đặng Trung Kiên

Nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt hiện nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang chạy đua với thời gian để đưa ra giải pháp trước mắt cũng như lâu dài bảo đảm nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt, sản xuất và ngăn mặn, chống xâm mặn nội đồng. Trước mắt, các tỉnh: Bến Tre, Kiên Giang huy động tư nhân cũng như các nhà máy nước cung cấp nước ngọt cho nhân dân với giá phải chăng để giải quyết ngay tình trạng giá nước ngọt tăng cao như hiện nay. Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang cũng đã tổ chức đắp được gần 80 đập ngăn mặn không cho nước mặn tràn vào vùng ngọt hoá thuộc huyện An Minh, An Biên và Hòn Đất; hơn 20 cống đập ngăn mặn có sẵn đã được ngành thủy lợi vận hành nhằm bảo vệ diện tích lúa, khu nuôi trồng thủy sản thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên

Ở tỉnh Bến Tre, nhiều dự án tạo nguồn cung cấp nước ngọt cho vùng có nguy cơ nhiễm mặn cũng đã được triển khai, hiện nay 11 xã vùng bắc huyện Mỏ Cày người dân đã có nước ngọt sử dụng và sinh hoạt quanh năm. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đồng ý cho Sở Thủy sản đầu tư 77 tỉ đồng để thực hiện dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước ngọt cho bà con nhân dân quanh vùng từ hồ chứa nước ngọt Ba Lai. Khi dự án này đi vào hoạt động thì người dân Bến Tre sẽ bớt phần lo thiếu nước ngọt khi mùa nắng hạn đến. Tuy nhiên, hiện tượng thiếu nước ngọt và nước bị nhiễm mặn khi mùa khô đến đã diễn ra trong nhiều năm nhưng một số tỉnh vẫn chưa đưa ra được giải pháp đồng bộ, lâu dài cho vấn đề trên. Thiết nghĩ, các tỉnh cần có quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi cho toàn vùng, cần xây dựng hệ thống cống đập ngăn mặn có quy mô lớn nhằm không cho nước mặn xâm nhập vào nội đồng trong mùa nắng hạn. Có như vậy, người dân trong vùng mới yên tâm sản xuất và không phải năm nào cũng khắc khoải trong cơn khát cùng nỗi lo nước ngọt tăng giá.