Dự án phát triển 1.000 ha cây bưởi đặc sản Đoan Hùng được triển khai từ cuối năm 2003 và nằm trên địa bàn 18 xã phía Bắc của huyện Đoan Hùng. Đây cũng là dự án trọng điểm của tỉnh, cũng như của huyện Đoan Hùng. Trong quá trình thực hiện, mặc dù gặp không ít khó khăn, song dự án luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, sự ủng hộ tích cực của bà con nông dân trong vùng dự án. Nhờ vậy, qua hơn 3 năm triển khai đến nay dự án đã đạt được những kết quả tương đối khả quan và bước đầu đã đạt được mục tiêu của dự án.
Tổng diện tích trồng mới đến hết năm 2007 là 810,52 ha, đạt 81% kế hoạch của toàn dự án. Trong đó năm 2004, trồng được 136,4 ha, đạt 48% kế hoạch năm; năm 2005 trồng được 100,58 ha, đạt 25,14 % kế hoạch; năm 2006 trồng được trên 396 ha, đạt 132% kế hoạch; năm 2007 trồng 177,34 ha, đạt 112% kế hoạch. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, chất lượng cây bưởi trồng mới khá tốt, tỷ lệ cây sống sau khi trồng bình quân đạt 90 - 95%; cây sinh trưởng đạt loại tốt khoảng 35%, loại trung bình đạt 45%, còn lại là loại kém; tỷ lệ cây bị nhiễm sâu vẽ bùa, bệnh sẹo từ 10 - 15%.
Về thực hiện các chính sách hỗ trợ, diện tích trồng bưởi trong năm 2004-2005 và vụ xuân năm 2006, Ban quản lý dự án đã nghiệm thu và được Sở NN và PTNT, Sở Tài chính thẩm định với diện tích là 429,85 ha, UBND tỉnh đã cấp đủ định mức 5.000.000 đồng/ha. Tổng kinh phí đã cấp là trên 2,149 tỷ đồng và số tiền này đã được Ban quản lý dự án thanh toán chi trả cho các hộ tham gia dự án. Số kinh phí còn lại của vụ thu 2006 (diện tích là 169 ha) và vụ xuân năm 2007 (83,5 ha) đã nghiệm thu và được Sở NN và PTNT, Sở Tài chính thẩm định xong, chỉ chờ cấp kinh phí. Diện tích trồng bưởi vụ thu năm 2007 (diện tích 177,34 ha) đang tiến hành nghiệm thu và hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị thẩm định.
Để tạo điều kiện cho người dân được vay vốn, Ban quản lý dự án đã phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT huyện Đoan Hùng lập hồ sơ, thẩm định và tiến hành cho vay đối với các hộ tham gia dự án. Tổng số tiền vay gần 2,3 tỷ đồng, với 279 hộ. Trong đó, năm 2004 có 240 hộ vay với số tiền gần 1,985 tỷ đồng, năm 2005 có 39 hộ vay với số tiền là 314 triệu đồng.
Nhìn chung, dự án phát triển 1.000 ha cây bưởi đặc sản của tỉnh luôn được các cấp, ngành trong huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện một cách sát sao. Việc kiểm tra, đánh giá, giám sát, kiểm điểm tiến độ luôn được thực hiện thường xuyên và chặt chẽ. Giữa các ngành, các đơn vị, phòng, ban chuyên môn trong huyện đã có sự phối hợp khá đồng bộ trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách của dự án, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi. Đại đa số các hộ dân trong vùng dự án đều tham gia và ủng hộ thực hiện dự án và thực tế đã có không ít hộ dành ra nhiều quỹ đất để đầu tư trồng mới bưởi đặc sản theo chương trình của dự án.
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, trong quá trình thực hiện dự án cũng gặp không ít các khó khăn tồn tại như: Việc cung ứng giống trong những năm đầu thực hiện dự án còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu cho các đơn vị, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Công tác chỉ đạo đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch dự án ở một vài đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, Ban chỉ đạo xã không triển khai kế hoạch cụ thể, không có kế hoạch chi tiết giao cho các thôn, tổ, đội do đó dẫn đến việc thực hiện kế hoạch còn rất thấp, điển hình trong số này là các xã: Quế Lâm, trồng mới 5,8 ha/110 ha kế hoạch (đạt 5,3%); Bằng Luân trồng 33/162 ha (đạt 22%) và một số khác như Đông Khê, Hùng Quan, Nghinh Xuyên... Công tác hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra chất lượng ở cơ sở còn hạn chế. Diện tích bưởi trồng thuần còn ít (chiếm tỷ lệ 40%), còn lại hầu hết đều trồng xen ghép trong các vườn tạp, ảnh hưởng tới chất lượng cây giống cũng như chất lượng quả về sau. Hiện tượng để mầm dại phát triển còn khá phổ biến ở một số hộ. Việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi ở một số hộ còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra, công tác phòng trừ sâu bệnh chưa kịp thời.
Dự án phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng là một dự án lớn, có tính khả thi cao, dự án hứa hẹn sẽ đem lại lợi ích thiết thực và hiệu quả cho người trồng bưởi, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tăng thu nhập trên địa bàn. Để đảm bảo cho dự án thành công, thời gian tới bên cạnh việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, huyện Đoan Hùng đặt ra mục tiêu đó là: ổn định diện tích bưởi đã trồng. Tập trung chăm sóc nâng cao chất lượng cây bưởi. Tiếp tục tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về trách nhiệm và quyền lợi của bản thân đối với dự án. Trong năm 2008, huyện sẽ vận động nhân dân trồng mới thêm trên 100 ha cây bưởi, để đến hết năm có khoảng 1.200 ha bưởi cho cả hai dự án (ngoài dự án 1.000 ha bưởi của tỉnh, trên địa bàn huyện còn có dự án 300 ha bưởi đặc sản của Bộ Khoa học và công nghệ). Ngoài ra, Ban quản lý dự án sẽ tiếp tục làm việc với các sở, ngành chức năng của tỉnh để tiếp nhận nguồn kinh phí còn thiếu, giải quyết dứt điểm những tồn tại cũ, đảm bảo chi trả đúng, đủ cho các đối tượng tham gia dự án.