00:00 Số lượt truy cập: 2679248

Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông thôn: Kết quả từ thực tiễn 

Được đăng : 03/11/2016
"Có được kết quả nghiên cứu đã khó, làm thế nào để thuyết phục người dân sử dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn còn khó hơn. Người dân phải nhìn thấy tận mắt, được hướng dẫn tận tay thì mới tin vào kết quả nghiên cứu" là phát biểu của Ts. Ngô Hùng Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Hưng Yên.

Những nhà thương thuyết bất đắc dĩ

Là một tỉnh có 90% dân số phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên xác định, các ứng dụng khoa học sẽ tập trung phục vụ cho lĩnh vực này. Do tập quán canh tác từ lâu đời, bà con nông dân quen "tự cung, tự cấp", lấy thóc thịt đưa ra làm giống nên chỉ qua 2 - 3 vụ, giống đã bị thoái hóa, cho năng suất, chất lượng thấp. Để thay đổi thói quen này, năm 2000 Sở KH&CN thực hiện dự án "xây dựng hệ thống sản xuất giống lúa nhân dân". Trên cơ sở các giống lúa của cơ quan khoa học TW đã nghiên cứu lai tạo, các cán bộ khoa học tiến hành khảo nghiệm giống cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của Hưng Yên.

Khi đã có kết quả, để lấy lòng tin của nhân dân, các cán bộ khoa học phải tiến hành công tác khảo nghiệm trình diễn, tuyên truyền, quảng bá hướng dẫn. Họ trở thành những "nhà thương thuyết bất đắc dĩ", vì: "nếu cán bộ khoa học chỉ nói "giống này tốt đấy, bà con đưa vào ứng dụng đi" chắc chắn không ai dám sử dụng giống mới. Do vậy tại mỗi huyện phải lựa chọn một diện tích nhất định để làm mô hình điểm. Thậm chí, có những lúc các cán bộ khoa học còn phải cam kết: bà con cứ sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác đúng như đã hướng dẫn, nếu năng suất thấp chúng tôi sẽ đền cho bà con"!.

Xắn tay cùng bà con

Thuyết phục bà con sử dụng giống mới rồi lại phải bắt tay cùng bà con theo sát từ khi gieo trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch. Ông Lê Văn Lương - Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH&CN Hưng Yên) kể: cán bộ của Sở rất ít (tất cả biên chế chỉ có hơn 30 người), vừa làm quản lý, vừa tham gia hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Có những lúc anh em chia nhau mỗi người bám theo một hướng, người theo cây lúa, người theo nhãn, người theo cây dâu... cùng xắn quần, lội ruộng kiểm tra để hướng dẫn bà con. Có nhiều khi cấy yêu cầu 1 giẻ, có khi bà con lại cấy thành 2 - 3 giẻ mạ. Khi đó trực tiếp các cán bộ phải kiểm tra, yêu cầu làm lại... Và chỉ đến khi có vụ mùa bội thu, bà con mới nhủ thầm: "À, tiến bộ của khoa học là như thế".

Về Hưng Yên, chúng tôi có dịp đi "thị sát" những trảng dâu xanh mướt đang đến kỳ thu lá trải dài suốt vùng bãi sông Hồng và sông Luộc, gặp anh Lê Văn Thắng (thôn An Châu, xã Hoàng Anh, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) chúng tôi được biết giờ bà con đã nhàn hơn rất nhiều vì cũng cùng một lượng dâu, nếu trồng giống cũ thì phải hái mất 1 ngày, nay chỉ cần hái nửa ngày. Dâu giống mới lá to hơn, xanh hơn, dày hơn, hong khô dễ hơn, cho chất lượng tơ tốt hơn. Tính hiệu quả kinh tế đã nhìn thấy rõ rệt. "Nông dân chúng tôi mong muốn được các cán bộ kỹ thuật quan tâm, hướng dẫn để bà con biết được giống nào tốt, cho năng suất chất lượng cao” - anh Thắng tâm sự. Và không riêng gì với cây dâu mà với tất cả các cây, con giống khác, nếu được chỉ dẫn kỹ chắc chắn bà con sẽ quen dần với những tiến bộ kỹ thuật.