Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi Đức Thọ có bước phát triển nhanh, nhờ áp dụng tổng hợp các yếu tố về khoa học kỹ thuật như: tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y... đã nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi, từ đó đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo cho các hộ nông dân trên địa bàn.
Trung tâm tổ chức điều tra khảo sát đàn bò lai F1 đủ tiêu chuẩn ( trọng lượng đạt từ 280-300 kg trở lên) tại 2 xã: Tùng Ảnh và Trường Sơn xây dựng mô hình, phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp là khuyến nông viên cơ sở, dẫn tinh viên tổ chức tuyên truyền vận động, khuyến cáo bà con tham gia mô hình một cách tích cực và có hiệu quả. Từ công tác tuyên truyền, vận động đến tập huấn kỹ thuật, đặc biệt là việc tổ chức tham quan học tập đã giúp cho người dân đã được thực tế tai nghe, mắt thấy, từ đó đã tạo nên niềm tin, phấn khởi cho người dân tiếp thu và ứng kỹ thuật với vào sản xuất chăn nuôi. Trung tâm đã tuyển chọn ở xã Tùng Ảnh (30 con) và Trường Sơn (60 con), tổ chức phối giống được 90 con bò cái có chửa, đạt 100%. Đến nay, có 18 con đẻ bê lai, trọng lượng sơ sinh đạt trung bình từ 28-35 kg, ngoại hình và màu sắc đẹp. Trọng lượng bê lai 1 tháng tuổi đạt trung bình 60-65 kg, tăng cao hơn so với bò lai F1 cùng tháng tuổi. Chị Nguyễn Thị Thọ-Xóm Sâm xã Trường Sơn cho chúng tôi biết: "Trước đây, gia đình chủ yếu nuôi bò lai sind, sau khi nuôi 6 tháng bán với giá từ 3,5-4 triệu đồng/con, bò lai giống này thì trọng lượng và màu sắc đẹp hơn, tăng trọng nhanh, nuôi 6 tháng sẽ có giá trị từ 4,4- 4,7 triệu đồng, nuôi bò lai này sẽ cho lợi nhuận cao hơn nhiều". Không riêng gia đình chị Thọ, theo các hộ nông dân tham gia mô hình bê lai đỏ (theo cách gọi của người dân) rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nên dễ bán, bê sinh ra khoẻ mạnh, kháng bệnh khá tốt (không bị ỉa chảy),... Để từng mở rộng mô hình này ra các địa phương năm 2009, Trung tâm ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ huyện tiếp tục xây dựng mô hình tại 3 xã Đức Long, Đức La và Bùi Xá, với 90 con bò được phối giống.
Những thành công bước đầu mô hình cải tạo đàn bò 3/4 máu ngoại ở Tùng Ảnh và Trường Sơn trong thời gian qua, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi và còn giúp nông dân đổi mới cách nghĩ trong cách làm ăn kinh tế. Đặc biệt kết quả này là tiền đề cho công tác cải tạo đàn bò theo hướng thịt trong thời gian tới ở Hà Tĩnh nhằm đẩy nhanh số lượng, nâng cao sức cày kéo, chất lượng thịt xẻ đàn bò và tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho người dân, xoá đói giảm nghèo tiến tới làm giàu cho người dân.