Dùng bẫy đèn diệt rầy nâu
Được đăng : 03/11/2016
Trước đây, trong một số lần đi công tác, tôi có thấy một số Chi cục BVTV dùng một loại bẫy đèn khá hiện đại để theo dõi mật số côn trùng. Bộ phận chính là một bóng đèn ống dài 0,6m phát tia cực tím và một hệ thống lưới điện cao áp để giết côn trùng, một khay chứa xác côn trung đặt ở dưới đáy bẫy.
Nguyên lý hoạt động của bẫy như sau:
Ánh sáng cực tím thu hút cực kỳ mạnh mẽ với các loại côn trùng có cánh, đặc biệt là rầy trưởng thành có cánh dài. Qua quan sát và so sánh, ta nhận thấy mật số côn trùng vào đèn cực tím nhiều gấp hàng trăm lần so với đèn huỳnh quang. Trước khi côn trùng vào đến đèn chúng phải qua hệ thống lưới điện cao thế bao xung quanh và bị tia lửa điện đánh, rơi xuống khay đựng bên dưới (giống như lưới cao thế trong vợt muối gia dụng của Trung Quốc).
Trong khi dịch VL-LXL do rầy nâu là môi giới truyền bệnh đang là nguy cơ chính cho vụ lúa ĐX 2006-2007 và có thể các các vụ tiếp theo, thì việc dùng bẫy trrên để thu hút và tiêu diệt rầy nâu cánh dài nên được ngành BVTV lưu ý bổ sung vào các biện pháp chống dịch khác. Tuy nhiên, do loại bẫy theo nguyên mẫu như trên khá đắt tiền nên khó có thể đưa vào sử dụng rộng rãi. Ta có thể tự tạo loại bẫy giá rẻ theo nguyên lý hoạt động trên như sau:
- Dùng đèn cực tím do Việt Nam sản xuất: Đặt hàng các công ty bóng đèn trong nước như Điện quang, Rạng đông... với giá không cao hơn bóng đèn huỳnh quang bình thường.
- Trong vòng bán kính 500÷700m trên đồng ruộng ta chọ một khu đất trống khoáng 10m2 để đặt đèn, có thể dùng điện lưới hoặc dùng điện ác qui. Đặt đèn treo đứng, cao 2-2,5m so với mặt ruộng.
- Phía dưới đèn treo một bao nilon dài 1,5-2m, đường kính khoảng 1m để chứa côn trùng, trong bao có để phun một ít dầu nhờn và một ít thuốc trừ rầy. Khi rầy cánh dài rơi vào bao sẽ dính thuốc và bị diệt.
- Để tiêu diệt nhanh và triệt để , khi quan sát thấy lượng rầy vào đèn khá nhiều thì dùng bình phun trừ muỗi để phun, biện pháp này giúp ta nhanh chóng diệt rầy, trả lại độ sánh cho đèn. Chú ý không dùng bình phun thuốc hòa nước có thể gây vỡ đèn.
Loại bẫy như trên có thể được nghiên cứu ứng dụng rộng rãi và tổ chức hội thảo góp ý cải tiến sẽ góp phần phòng chông ngay từ đầu mối với bệnh VL-LXL vụ ĐX. Tuy nhiên, ánh sáng cực tím có thể hại da, mắt cho nên người sử dụng cần được hướng dẫn để tự bảo vệ.