00:00 Số lượt truy cập: 3228573

GAP - cứu cánh cho con tôm Bến Tre 

Được đăng : 03/11/2016
Cơn sốt chạy theo con tôm sú ở Bến Tre đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Cái thời đổ xuống vuông tôm tiền triệu nhưng ôm về tiền tỷ bây giờ trở nên mong manh. Nạn virus đốm trắng hoành hành, con giống lại phải sinh ra trong trạng thái “đẻ non”. Còn người nuôi thì nôn nóng thu lợi, vun tay quá trớn đủ loại hóa chất, khiến cho môi trường dần dà bị suy thoái, dẫn đến nạn tôm chết hàng loạt từ vụ này đến vụ khác.


Để cứu lấy nghề nuôi tôm công nghiệp, một qui trình công nghệ nuôi tôm sạch ra đời và được Cục quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thú y thủy sản (NAFIQAVED) thuộc Bộ Thủy sản triển khai tại 5 tỉnh: Ninh Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Bến Tre. Qui trình này gọi tắt là GAP, giám sát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - một qui định khắc khe đối với thị trường Nhật Bản, Bắc Mỹ và EU. Ở Bến Tre, vào tháng 4/2004, qui trình GAP được áp dụng thí điểm tại Thạnh Phước (Bình Đại) và khu K22 - xã An Nhơn (Thạnh Phú), với tổng diện tích 68,5 ha. Qui trình này phải tuân thủ nghiêm ngặt các yếu tố đầu vào như: xử lý ao nuôi với độ pH chuẩn, con giống phải qua kiểm dịch bằng hệ thống PCR, hạn chế sử dụng đến mức thấp nhất các loại hóa chất và thuốc thú y thủy sản. Mỗi ao nuôi đều ghi chép cẩn thận, có sổ nhật biên thật chi tiết như “hồ sơ bệnh án” để tiện theo dõi, xử lý kịp thời. Dựa vào ghi chép này, dùng làm cơ sở để truy nguyên nguồn gốc khi sản phẩm đưa ra thị trường trục trặc về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Cán bộ kỹ thuật NAFIQAVED thường xuyên kiểm tra, tư vấn, không để một lỗi dù nhỏ xảy ra trong qui trình nuôi. Và, không ai khác hơn, chính cơ quan này có đủ thẩm quyền cấp giấy xác nhận nuôi tôm đạt tiêu chuẩn GAP. Đây được xem là “tấm giấy thông hành” để “tôm GAP” dễ dàng thâm nhập vào các nhà máy, xí nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu, với giá cao mà không cần kiểm dịch. Ứng dụng qui trình GAP, các chuyên gia hàng đầu của ngành thủy sản khuyến cáo, không nên thả nuôi ở mật độ cao vì sẽ làm cho tôm chậm lớn, kích cỡ không đồng đều. Thường mật độ thả nuôi từ 28 - 30 con/m2. Trong khi qui trình cũ có thể thả nuôi từ 35 - 40 con/m2. Nhờ áp dụng qui trình GAP, mặc dù năng suất bình quân chỉ ở mức từ 5 - 6 tấn/ha, nhưng bù lại, đây là loại tôm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có giá trị xuất khẩu cao, người nuôi thu lãi nhiều. Qua 3 năm triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm sạch theo tiêu chuẩn GAP, Bến Tre đã rút được nhiều kinh nghiệm quí báu để tiến tới tổ chức nhân rộng ra 3 huyện vùng biển. Hiện toàn tỉnh có gần 40.000 ha mặt nước nuôi tôm. Trong đó, diện tích có khả năng nuôi theo phương thức công nghiệp - bán công nghiệp trên 6.500 ha. Như vậy, nếu đưa toàn bộ diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp vào qui trình GAP, thì chẳng những đạt được sản lượng tôm rất lớn, tạo tâm lý yên tâm cho người nuôi, mà còn khẳng định được uy tín trên thương trường quốc tế, mở ra cơ hội đầy triển vọng cho nghề nuôi tôm bền vững ở Bến Tre trong tương lai. Tuy nhiên, để cho mọi người đều áp dụng qui trình này một cách đồng bộ, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, do ảnh hưởng phương thức nuôi cũ. Thứ hai, thiếu nguồn vốn đầu tư. Thứ ba, tâm lý e ngại của người nuôi khi áp dụng qui trình mới. Thứ tư, thông tin về đầu ra của sản phẩm chưa được cung cấp đầy đủ. Thiết nghĩ, nếu giải quyết thấu đáo 4 vấn đề trên thì qui trình nuôi tôm GAP sẽ không dừng lại ở mô hình thử nghiệm, mà trở thành một bài toán kinh tế có lời giải đẹp, như trước đây, chỉ có 2.000m2 thử nghiệm nuôi tôm công nghiệp của Trung tâm khuyến ngư đã dấy lên phong trào làm giàu chính đáng từ con tôm sú một thời cho người dân vùng biển Bến Tre.