00:00 Số lượt truy cập: 2662046

Gặt lúa xuân sớm, làm đất tốt để gieo cấy lúa mùa kịp thời vụ 

Được đăng : 03/11/2016
Trong kinh nghiệm thâm canh lúa có câu “Nhất thì, nhì thục”, nghĩa là thời vụ và làm đất là hai yếu tố tối quan trọng để quyết định năng suất lúa. Với lúa mùa thì việc làm đất lại càng quan trọng hơn vì thời gian từ khi gặt lúa xuân đến khi cấy lúa mùa rất ngắn, chỉ khoảng 7-10 ngày. Song do ảnh hưởng của thời tiết, năm nay, lúa xuân trỗ muộn hơn so với mọi năm, thời vụ lúa mùa lại bị muộn từ 15-20 ngày. Vậy làm thế nào để gieo cấy lúa mùa kịp thời vụ? Xin lưu ý với bà con 1 số vấn đề như sau:

1. Rút ngắn thời gian sinh trưởng lúa xuân

- Từ khi lúa làm đòng đến lúc gặt luôn giữ nước để lúa nhanh chín.

- Diện tích lúa chưa trỗ cần phun thêm các chế phẩm sinh học như KH, Boomplower, phân qua lá Siêu Kali kết hợp phun thuốc Tilt sufe trước và sau trỗ giúp lúa trỗ thoát nhanh, chín nhanh.

- Chú trọng phòng trừ sâu bệnh cuối vụ, đặc biệt là rầy nâu, khô vằn. Với diện tích lúa chưa trỗ, cần phòng trừ sâu đục thân theo khuyến cáo của chi cục Bảo vệ thực vật.

- Tuyệt đối không bón phân đạm đơn vào cuối vụ.

- Theo nhận định thì lúa xuân năm nay sinh trưởng chậm hơn mọi năm khoảng 15-20 ngày. Để gieo cấy lúa mùa khẩn trương, cần gặt sớm khi lúa chín khoảng 85 - 90%, theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Sau khi gặt, xếp lúa thành đống, ủ qua 1 đêm cho lúa chín đều rồi mới tuốt.

2. Thời vụ

- Đối với diện tích cấy lúa mùa sớm để làm cây vụ đông ưa ấm, nên gieo mạ sân để cấy xong trước ngày 5/7/2011. Sử dụng các giống lúa ngắn ngày như QR1, VS1, KD18, TBR1, HT1, BT7, T10...

- Đối với diện tích cấy lúa mùa đại trà cấy xong trước ngày 25/7/2011. Riêng giống BC15 nên cấy sớm, xong trước ngày 10/7/2011 để tránh bạc lá và tránh gặp không khí lạnh vào cuối vụ mùa.

3. Làm đất

Vấn đề làm đất với lúa mùa năm nay rất quan trọng. Nếu không làm đất tốt, gốc rạ không kịp phân hủy, cây lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ. Biểu hiện là: sau cấy khoảng 1 tháng, khi lúa đang đẻ nhánh rộ thì ruộng đỏ rực, lá lúa biến vàng, thối nõn, rễ vàng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa. Nguyên nhân: do làm đất muộn lại không có vôi, vi sinh vật… nên đất chưa kịp ngấu, gốc rạ không kịp phân hủy đã cấy ngay. Khi nhiệt độ cao, gốc rạ phân huỷ sẽ tạo ra các khí độc như H2S, CH4… làm cây lúa bị ngộ độc.

Khi lúa bị ngộ độc hữu cơ, bà con nông dân không nên sốt ruột bón thêm phân đạm cấp cứu lúa. Vì như vậy sẽ làm cho lúa ra nhiều lá non mới, kéo dài thời gian sinh trưởng, nếu gặp mưa dông rất dễ bị bạc lá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Để hạn chế hiện tượng này bà con cần tuân thủ qui trình làm đất, bón phân vụ mùa như sau:

- Để đất nhanh ngấu, rút ngắn thơì gian làm đất thì cần giữ nước lúc gặt để giữ lấm mặt ruộng.

- Nên gặt sát gốc rạ, gặt đến đâu thu sạch rơm rạ đến đó. Có thể thu lên bờ hoặc xếp thành đống vào góc ruộng, cứ 1-2 lớp rạ rắc 1 lớp vôi để rạ nhanh mục sau này dùng làm phân rắc ra ruộng. Rắc 15-20 kg vôi bột/sào BB rồi tiến hành cày dầm, giữ nước, khoảng 5-7 ngày đối với ruộng cấy trà sớm, 7-10 ngày với ruộng cấy trà trung là bừa cấy được.

- Một số nơi có tập quán gặt lưng cây lúa, sau khi gặt xong, rắc 20-30 kg vôi bột/sào BB rồi lồng dập rạ, giữ nước ngập ruộng sau 10-15 ngày thì bừa cấy.

- Để giúp cho đất nhanh ngấu, bà con nên sử dụng các loại phân có hàm lượng vi sinh vật cao như Azotobacterin... Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu cung cấp vi sinh vật cho đất, làm tăng độ tơi xốp và sự liên kết các chất hữu cơ trong đất, tăng sức đề kháng cho cây giúp cân bằng sinh thái. Đặc biệt làm gốc rạ nhanh phân hủy, giảm được hiện tượng ngộ độc hữu cơ thường xảy ra trong vụ mùa.

Lượng bón: 7-10 kg/ sào, bón ngay khi ruộng có nước càng sớm càng tốt hoặc bón cùng với lúc bón phân NPK chuyên lót trước khi bừa.

4. Bón phân

Cần phải bón đầy đủ hàm lượng phân lót trước khi bừa đặc biệt là phân chuồng, phân lân để phân quyện vào với đất giúp đất nhanh thối ngấu, cây lúa có đủ dinh dưỡng cuối vụ, bộ rễ đâm sâu chống đổ tốt. Lượng bón cho 1 sào BB: 2-3 tạ phân chuồng hoặc phân vi sinh như trên và 25 kg phân NPK chuyên lót như loại 6:11:2.

5. Xử lí thóc giống chuyển vụ

Năm nay khó khăn về giống, nếu không mua được giống tốt, bà con có thể dùng giống chuyển vụ.

- Chọn khóm lúa đúng giống, sạch bệnh, đồng đều cao. Khi cắt lưu ý cần cắt cả lá đòng rồi về ủ qua 1 đêm. Có thể đem ngâm ngay hoặc phơi dưới nắng nhẹ cho khô vỏ. Không phơi dưới nền sân xi măng, nắng to.

- Biện pháp phá ngủ nghỉ của hạt giống:

+ Dùng 1,5 - 2 kg lân lâm thao pha với 2-3 lít nước rồi khuấy đều, để lắng, gạn lấy nước trong đem ngâm cùng thóc giống. Thêm nước cho vừa ngập thóc.

+ Axit HNO3 (nồng độ 3 phần nghìn): pha 3ml thuốc với 1 lit nước sạch ngâm cho 1 kg thóc. (cho nước vào trước, thuốc vào sau rồi khuấy đều, đổ thóc đảo đều và thêm nước vừa đủ).

+Dùng chế phẩm phá ngủ nghỉ có bán trong cửa hàng thuốc bảo vệt thực vật, pha theo hướng dẫn.

Tất cả các cách trên đều ngâm trong 24 giờ rồi rửa, đãi sạch đem ngâm bình thường khoảng 48-60 giờ nữa khi hạt hút no nước thì đem ủ.

6. Phương thức gieo mạ

- Diện tích mạ dược ít do lúa xuân trỗ muộn. Nếu các địa phương không chủ động được chân dược mạ thì nên gieo mạ sân, mạ vườn hoặc mạ dầy xúc để rút ngắn thời gian sinh trưởng cho mạ.