Với phương châm phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, những năm qua hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất của huyện Gia Bình được nâng cấp, sửa chữa.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17 triệu đồng năm 2010 lên 30 triệu đồng năm 2015. Toàn huyện hiện có 500 trang trại, gia trại với thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/mô hình/năm. Trong đó có 64 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT; 43 trang trại đạt doanh thu bình quân từ 750 triệu đồng/năm trở lên. Các mô hình này góp phần nâng giá trị trên ha chăn nuôi của huyện từ 158,4 triệu đồng năm 2010 lên hơn 200 triệu đồng năm 2015; giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn. Đến nay, huyện Gia Bình có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM là Nhân Thắng, Bình Dương, Đại Lai, Cao Đức, các xã còn lại đạt từ 14 tiêu chí trở lên.
Các mô hình trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, quy mô của các mô hình hiện nay phần lớn còn nhỏ, số trang trại có quy mô tương đối lớn chưa nhiều. Việc liên kết, hợp tác để tổ chức chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các trang trại còn chưa chặt chẽ. Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần hạn chế của chủ trang trại trong việc lập dự án, phương án vay vốn và chưa tạo được uy tín trong việc quản lý sử dụng vốn vay.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc phát triển trang trại, gia trại hiện nay, huyện Gia Bình đề ra một loạt các giải pháp đồng bộ về đất đai, vốn, thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng lao động. Theo đó, huyện từng bước thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng rau, cây ăn quả chuyên canh theo định hướng của tỉnh và phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; lập quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp; tăng cường mời gọi doanh nghiệp, đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch theo chuỗi giá trị, từ sản xuất giống, thức ăn, đến chế biến, tiêu thụ. Qua đó đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một diện tích sản xuất, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới./.