Gia Lai: Giống lúa mới cho hiệu quả kinh tế ở xã vùng sâu
Được đăng : 03/11/2016
Xã vùng sâu Hà Đông, huyện Đắc Đoa (tỉnh Gia Lai), cách huyện lỵ gần 100 km. Hơn 3.500 dân trong xã này đều là người dân tộc Ba Na. Hà Đông đất rộng, người thưa, nhưng tập quán canh tác lạc hậu và từ 2003 trở về trước năm nào tỉnh cũng phải cứu đói cho dân xã này.
Tuy Hà Đông được hưởng lợi từ Chương trình 135 và còn được tỉnh, huyện hỗ trợ xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân, nhưng kinh tế của xã vẫn chậm phát triển là do người dân ở đây chậm thay đổi phương thức sản xuất. Năm 2003, xã đã xây dựng xong 2 công trình thuỷ lợi đủ năng lực tưới cho 100 ha ruộng 2 vụ/ năm. Huyện còn cấp đủ giống, vận động bà con trong xã thay đổi trồng giống lúa mới, nhưng họ vẫn làm ăn theo cung cách bảo thủ (đã gieo giống lúa của địa phương), nên năng suất lúa đạt rất thấp.
Năm 2004, huyện xây dựng dự án "hỗ trợ xã Hà Đông đổi mới tập quán canh tác, nâng cao kỷ năng thâm canh lúa nước, bằng giống lúa mới cho nông dân" với kinh phí đầu tư 80 triệu đồng. Dự án này do Trung tâm Khuyến nông huyện phối hợp với xã triển khai thực hiện từ vụ lúa đông- xuân 2005 đến 2006 và xã đã chọn 2 giống lúa lai Q5 và DV108 phù hợp với đồng đất của Hà Đông để cung cấp cho bà con gieo cấy. Sản xuất vụ đông- xuân 2005 đến 2006 và vụ mùa 2006, bà con trong xã thực hiện gieo cấy hết số diện tích bằng các loại giống lúa mới đạt năng suất hơn 5 tấn/ha/vụ, do đó đã khuyến khích bà con đã bỏ hẳn giống lúa (cũ) của địa phương, do cho hiệu quả kém.
Do thay đổi được tập quán canh tác nương rẫy sang thâm canh lúa giống mới mà người dân Hà Đông đã thoát được nghèo. Hiện, có nhiều hộ dân của xã đang giàu lên nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá. Bà con không những chỉ làm đủ lúa ăn mà còn trồng được 400 ha sắn cao sản, 300 ha cây ngô lai cho thu hoạch với hiệu quả khá../.