00:00 Số lượt truy cập: 3229018

Gia Lai: Khơi dậy tiềm năng nuôi trồng thủy sản 

Được đăng : 03/11/2016

Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có 11.500 ha mặt nước. Trong đó có 5 huyện tập trung với quy mô 1.000 ha mặt nước trở lên, gồm: Chư Sê 4.000 ha (26% diện tích mặt nước toàn tỉnh), Kbang 3.800 ha (23,5%), Chư Pah 3.200 ha (20%), Krông Pa 1.500 ha (9%), Phú Thiện 1.000 ha (6,5%).


Hầu hết diện tích mặt nước ở Gia Lai đều có các chỉ số sinh hóa, môi trường phù hợp với việc nuôi trồng các loại thủy sản nước ngọt. Như vậy có thể nói, tiềm năng để phát triển nghề nuôi thủy sản ở Gia Lai là rất rộng lớn và thuận lợi. Tuy vậy, đến nay toàn tỉnh mới chỉ phát triển nuôi thả thủy sản trên diện tích khoảng 6.500 ha. Trong đó, mặt nước lớn là 5.300 ha (hồ chứa lớn), ao hồ nhỏ (quy mô dưới 5 ha) hơn 900 ha, ruộng trũng 300 ha, với tổng sản lượng hàng năm trên 2.000 tấn (đáp ứng khoảng 20% nhu cầu cá nước ngọt toàn tỉnh).

Tình trạng kém phát triển của ngành thủy sản Gia Lai có thể do một số nguyên nhân như: Hệ thống quản lý và dịch vụ kỹ thuật yếu kém; công tác khuyến ngư còn hạn chế (mỗi năm chi từ ngân sách nhà nước khoảng 100 triệu đồng); định hướng và hỗ trợ đầu tư chưa rõ ràng, việc nuôi thả còn mang tính tự phát và nhỏ lẻ. Về dịch vụ kỹ thuật cho nghề cá, đến nay trên địa bàn TP. Pleiku chỉ có Công ty Tiểu Phụng sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản, quy mô khoảng 20 ngàn tấn/năm. Ngoài ra các loại vật tư kỹ thuật khác vẫn chưa có hệ thống cung cấp. Về cung cấp giống, đến nay chỉ có một số cơ sở tư nhân và hợp tác xã (HTX) như: Cơ sở tư nhân của ông Thắng ở Ia Peng (Phú Thiện), HTX Lý Hà Đông xã Chrôh Pơnan (Phú Thiện)..., với quy mô nhỏ lẻ, khả năng còn hạn chế, mỗi năm chỉ cung cấp được 3 - 4 triệu cá giống (20 - 25% nhu cầu con giống). Về kỹ thuật canh tác, hiện tại các mặt nước lớn đến nay chỉ mới có hồ Ayun Hạ đưa vào khai thác, đầu tư có hiệu quả.

Từ những hạn chế trên, những năm tới, để khai thác tốt tiềm năng thủy sản của tỉnh, cần chú trọng nghiên cứu, đầu tư một cách toàn diện, đồng bộ, theo những định hướng quy hoạch mang tính khoa học. Về hệ thống quản lý kỹ thuật: Cần củng cố hệ thống trung tâm dịch vụ thủy sản, mạng lưới khuyến ngư của tỉnh. Đảm bảo cung ứng đầy đủ con giống tốt, các vật tư kỹ thuật chuyên ngành thiết yếu, thức ăn nuôi cá cho người nông dân.

Về kỹ thuật canh tác, cần có nghiên cứu, quảng bá các phương thức nuôi thả cá phù hợp với từng quy mô, loại hình mặt nước. Với hồ lớn, có thể hình thành các HTX, hiệp hội nghề cá, nuôi thả đánh bắt trực tiếp hoặc nuôi lồng bè, có nhà ở ngay trên mặt nước, tạo thành vùng nuôi cá lớn. Với các mặt nước nhỏ cần đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, đảm bảo năng suất đạt 3 - 5 tấn/ha mặt nước. Cần có hệ thống cấp nước, tiêu nước riêng, đảm bảo không ô nhiễm hóa chất độc hại. Những vùng lúa, cần kết hợp công thức cá/lúa; theo kiểu đào ao hoặc rãnh sâu liền kề và chiếm 20 - 30% diện tích ruộng; đảm bảo sự hài hòa về sinh thái, tránh sử dụng thuốc sâu, thuốc cỏ. Những vùng trũng có thể nghiên cứu phát triển các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao...

Làm được như vậy, trong một tương lai gần, Gia Lai có thể tận dụng tốt hơn nguồn nước sông hồ theo hướng đa mục tiêu: Thủy lợi, thủy điện, thủy sản và môi trường sinh thái. Tỉnh sẽ tự túc được nhu cầu cá nước ngọt, từng bước vươn ra thị trường trong cả nước, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo hướng làm giàu cho một bộ phận dân cư gắn với nghề sông nước, nghề nuôi trồng thủy sản.