00:00 Số lượt truy cập: 3234450

Gia Lai: Vụ Đông Xuân bội thu nhờ chất lượng giống 

Được đăng : 03/11/2016

Tổng kết vụ đông xuân (ĐX) năm 2007 - 2008 của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, thì ĐX năm nay bội thu, vượt cả về diện tích gieo trồng, năng suất và sản lượng lương thực.


Về diện tích: Toàn tỉnh gieo trồng được trên 52.077 ha, đạt 101,4% kế hoạch, vượt 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lúa nước trên 22.204 ha, ngô 4.868 ha (ngô lai 4.224 ha); sắn 5.860 ha; mía trồng mới 5.636 ha; đậu các loại 2.402 ha... Nhìn chung các loại cây trồng chính đều vượt chỉ tiêu kế hoạch về diện tích.

Về năng suất, sản lượng: Các loại cây trồng đều cho năng suất khá cao so với các năm trước. Năng suất lúa trung bình toàn tỉnh đạt 56,7 tạ/ha cao hơn ĐX năm trước 0,9 tạ/ha, đưa sản lượng thóc đạt 125.900 tấn, hơn năm trước 8.844 tấn. Có nơi như huyện Phú Thiện, NS lúa đạt trung bình trên 66 tạ/ha, có nơi đạt 10 tấn/ha là điều hiếm thấy từ trước tới nay. Bắp đạt bình quân đạt 34,2 tạ/ha... nâng tổng sản lượng lương thực đạt 142.550 tấn, vượt so với năm trước 6.952 tấn.

Những vùng đất thuận lợi cho các loại cây chủ lực phát triển mạnh như huyện Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, đã tạo ra nét khác biệt với các vùng khác về năng suất. Những vùng trọng điểm này một phần nhờ có điều kiện đất đai, thủy lợi, một phần nhờ công tác giống đảm bảo chất lượng do Trung tâm giống cây trồng Gia Lai cung ứng. Đặc biệt là nhân dân các vùng này đã tự giác áp dụng các giống mới vào sản xuất. Những giống lúa được người dân ưa chuộng nhất là Q5, TH85, DV108, Khang dân 18; giống ngô Bioseed 9698, DK888, DK171, LVN10; giống sắn chủ yếu là KM94; giống mía là R570, F157, R579...

Đánh giá những thành công về năng suất và sản lượng của các loại cây trồng vụ ĐX năm 2007 - 2008, ông Lê Văn Lịnh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai nhận xét: Chưa có vụ ĐX nào năng suất và sản lượng các loại cây trồng cao như năm nay. Có được kết quả đó là nhờ thời tiết năm nay thuận lợi, mưa rải đều và thường xuyên ở các vùng trong tỉnh. Không những vậy, công tác chỉ đạo gieo trồng đúng thời vụ đã được ngành quán triệt cụ thể đến từng địa phương, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm ngặt lịch thời vụ để tránh rủi ro về sâu bệnh và hạn hán. Bên cạnh đó, những dự án PTNN-NT cũng đã hỗ trợ cho nông dân rất lớn như dự án Giống lúa nước chất lượng cao đã bắt đầu phát huy tác dụng. Đặc biệt là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, công tác chuyển đổi cơ cấu giống tại các địa phương đã được người dân thực hiện rất tốt...

Ông Trần Xuân Minh - Phó Giám đốc Trung tâm giống cây trồng Gia Lai cho biết, hiện Trung tâm đã xây dựng bộ giống lúa chủ lực cho năng suất cao là TBR-1, ĐB6, Ma lâm 49, CH207, TH85, BM2001... Trong đó có 2 giống TBR-1 và ĐB6 cho năng suất cao nhất; đã tiến hành thử nghiệm một số giống cây trồng mới như: Giống lúa PC10, ĐS1; giống sắn NA1; giống mía ROC26. Trung tâm có 12 ha để nhân giống nguyên chủng. Nếu tỉnh tạo điều kiện về cơ chế và ngân hàng tạo điều kiện cho Trung tâm vay vốn để đầu tư phát triển cây giống cung ứng đủ nhu cầu giống của địa phương thì chắc chắn năng suất bình quân toàn tỉnh sẽ cao hơn nữa.

Ông Phạm Nhuần - Phó chủ tịch huyện Phú Thiện là vùng lúa trọng điểm của Gia Lai, nơi có công trình thủy nông Ayun Hạ, phấn khởi nói rằng: Ở Phú Thiện hiện nay năng suất lúa nơi cao đã đạt 10 tấn/ha/vụ. Huyện tiếp tục chú trọng đến công nghiệp hóa - hiện đại hoá nông thôn. Hiện tại nhân dân đã đầu tư 10 máy gặt đập liên hợp, không kể máy gặt rải hàng. Nhân dân đã biết tính toán làm sao để giảm giá thành của sản phẩm. Ưu thế của huyện là có cánh đồng phẳng, người dân sở hữu thửa ruộng rộng lớn, áp dụng cơ giới hóa rất thuận tiện. Vấn đề sâu bệnh đang còn nan giải.

Theo đại diện Cục Trồng trọt, chi nhánh miền Trung và Tây Nguyên: Gia Lai đạt được những thành tích vượt bậc trên ngoài yếu tố giống thì gieo trồng đúng thời vụ có ý nghĩa quyết định đến năng suất. Đó là bài học cho tỉnh Đăk Lăk, vụ ĐX năm nay thất thu, mất trắng 7.000 ha, với lý do gieo trồng không đúng thời vụ, lúa trổ bị lép hoàn toàn không thu hoạch được làm thiệt hại gần 48 ngàn tấn lúa.

Tuy chưa phát triển thành dịch, song rầy nâu đã có liên tiếp 3 vụ liền. Cái khó ở đây là công trình thủy nông chỉ phục vụ tưới chứ chưa có tiêu nên không bố trí được một vụ màu xen giữa hai vụ lúa. Thời buổi giá lương thực tăng cao là động lực để người nông dân tăng vụ đã làm rây nâu lây truyền dai dẳng.

Về vấn đề dịch bệnh, Sở NN-PTNT Gia Lai đề nghị chỉ đạo quyết liệt cho nông dân không trồng 3 vụ lúa liên tục một năm, mà chỉ trồng 2 vụ chắc ăn, hoặc 2 vụ lúa 1 vụ màu xen giữa để phòng tránh sâu bệnh. Đặc biệt và rầy nây hại lúa. Về định hướng: Khai thác triệt để diện tích có đủ nước tưới để trồng lúa. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả dự án "Phát triển lúa nước năng suất và chất lượng cao giai đoạn 2007 - 2010". Đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thay thế giống lúa địa phương bằng giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt.