00:00 Số lượt truy cập: 3233983

Gia Lộc làm vụ đông 

Được đăng : 03/11/2016
Năm nào Gia Lộc cũng dẫn đầu tỉnh Hải Dương về thành tích vụ đông. Nông dân Gia Lộc bảo: “Vụ đông giờ là vụ chủ chốt trong năm chứ đâu chỉ là... vụ chính nữa. Dù chẳng ai hô hào hỗ trợ gì thì dân chúng tôi cũng làm rào rào”. 

Trong lúc nhiều địa phương ở miền Bắc vẫn đang loay hoay thu hoạch lúa mùa thì thời điểm này vụ đông sớm Gia Lộc đã làm vài ba nghìn héc ta. Dọc những con đường làng bê tông phẳng lì qua các xã Gia Xuyên, Hoàng Diệu, Liên Hồng, Phạm Chấn... đã nườm nượp xe tải vào chở cải bắp, cải bẹ.

Tạt ngang khu đồng Cà, thôn Tâng Phượng, xã Liên Hồng thời điểm này, hoa màu vụ đông sớm như cải bắp, súp lơ, xu hào đã bắt đầu bén màu xanh ruộng. Anh Lê Văn Họa (thôn Tâng Phượng) đang thoăn thoắt xới đất bón thúc đợt một cho ruộng cải bắp cho biết gặt xong lúa Bắc Thơm trà sớm ngày 25 tháng 9 là anh xuống giống vụ đông ngay. Hai sào cải bắp nhà anh xuống giống cách đây 10 ngày. Còn 1 sào súp lơ đã cấy được 4 ngày, hiện đã bắt đầu bén rễ.

Anh Họa bảo rau vụ đông như Liên Hồng xuống giống như vậy là còn muộn. Chứ như ở Gia Xuyên họ làm từ giữa tháng 9, bây giờ rau đã phủ kín ruộng. Mấy năm nay ở Gia Lộc, mà đặc biệt là Gia Xuyên nhiều hộ đã bỏ hẳn vụ lúa mùa chuyển sang màu từ tháng 6. Tới cuối tháng 9 đầu tháng 10 cải bắp, cải dưa, su hào đã bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm này giá cải bắp đầu mùa 7.000đ/kg, rau cải dưa giá 3.000đ/kg các chủ buôn đến tranh mua ngay tại ruộng.

Anh Họa nói vui rằng, ở Gia Lộc bây giờ nông dân trông ngóng vụ đông như ngóng ngày hội. Từ tháng 6 gặt xong lúa xuân, nhà nhà đã lục đục đốt rơm rạ, ủ phân chuồng dự trữ sẵn. Tới giữa tháng 9, lúc lúa mùa nhiều nơi vẫn còn xanh thì dân Gia Lộc đã nhanh tay gặt hái xong xuôi. Dưa chuột, bí xanh đã đúc sẵn bầu cao 50 – 70 cm chỉ việc bê ra ruộng. Theo anh Họa, cái quan trọng nhất khiến dân Gia Lộc hăng hái chuẩn bị cho vụ đông chu đáo như vậy bởi ai cũng thấy rõ vụ đông bây giờ lãi hơn cả hai vụ lúa cộng lại.

Để cho khách quan, anh Họa chỉ cho tôi sang hộ ông Vũ Văn Thịnh ở cùng xã Liên Hồng. Vừa hối hả bơm nước cho ruộng cải bắp 3 sào sắp sửa bón thúc, ông Thịnh làm cho tôi một con tính: “Một sào cải bắp 1.500 cây giống nếu mua giá đầu vụ khoảng 100 nghìn đồng. Cộng với tiền phân bón lót, tiền thuốc trừ sâu tính đầu tư cả vụ cao nhất cứ cho là 300 nghìn đồng/sào. Giá bắp cải cỡ 700g đến 1kg/bắp thời điểm bèo bọt nhất cũng 2.000đ/kg. Tính ra mỗi sào rau vụ đông cho lãi không dưới 1,5 triệu đồng – cao gấp 3 lần cấy lúa Bắc Thơm”.

Ông Thịnh quả quyết, đó là cách tính đã trừ “rủi ro” lúc giá rẻ, chứ gặp vụ trúng lớn thì còn ăn to. Ví như vụ đông năm 2008, trong khi khắp nơi mất trắng thì dân Gia Lộc lại trúng lớn vì đắp được bờ bao ngăn lụt và phục hồi được các diện tích sau lụt. Một sào cải bắp của ông Thịnh năm ngoái lãi hơn 4 triệu đồng. Ông Thịnh cho biết năm nay từ tháng 6 đã sang Gia Xuyên thuê đất trồng 3 sào cải bắp, hiện đang sắp sửa cho thu hoạch. Vụ đông này, nhiều hộ ở Gia Lộc có xu hướng thuê đất diện tích lớn hàng chục héc ta để làm vụ đông, tiêu biểu như hộ anh Tăng Xuân Trường ở xã Gia Tân.

Ông Đỗ Văn Sáng – Trưởng phòng NN huyện Gia Lộc:

Kế hoạch vụ đông Gia Lộc chuẩn bị từ đầu năm để cơ cấu giống lúa cho kịp thời vụ. Tới cuối tháng 7, kế hoạch hỗ trợ, phương án SX huyện đã thông qua chứ đâu đợi tới lúc gặt lúa mùa. Toàn huyện có trên 60 thương lái có từ 2 ô tô tải trở lên và 1 DN chế biến rau quả. Đầu tháng 8 chúng tôi đã tổ chức hội nghị cho mời tất cả thương lái, DN và các hộ SX vụ đông tiêu biểu của năm trước về huyện biểu dương khen. DN và thương lái cũng thông qua hội nghị đó công bố kế hoạch trồng cây gì, tiêu thụ ra sao, giá cả thế nào để nông dân chủ động ngay từ đầu vụ.”

“Trồng màu vụ đông ở đây giờ đã thành vụ chủ chốt trong năm. Cái khó nhất đó là thị trường dân vẫn phải dựa vào thương lái. Mà giá thì phập phù. Như cà chua chẳng hạn, có khi năm bảy nghìn một cân, lúc lại đổ đi không ai lấy. Cái khổ nữa là vụ đông năm nào cũng hạn, mà trồng màu thì cần nước tưới liên tục. Trong khi đó mương máng ở đây nhiều chỗ thấp hơn ruộng, ai muốn tưới phải vác máy bơm hay gánh từng thùng mà tưới. Nói thẳng ra, đầu tư phân bón, giống chỉ có vài ba trăm nghìn nên có hỗ trợ thì tốt mà không có cũng chẳng sao. Bà con chỉ cần nước nôi cho tốt. Tiền dịch vụ HTX tưới tiêu bao nhiêu chúng tôi chẳng ngại” – ông Thịnh nêu ý kiến. 

Đem chuyện trồng vụ đông trao đổi với ông Lê Đình Sơn – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hải Dương), ông Sơn cho biết năm nay Hải Dương chủ trương khuyến khích hỗ trợ mạnh các mô hình SX vụ đông hàng hóa. Theo đó quy vùng có diện tích lớn trên 10 hec ta được 50% tiền giống. Kế hoạch hỗ trợ vụ đông đã được Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Tài chính thông qua từ cuối tháng 8.

Ông Đỗ Văn Sáng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gia Lộc cho rằng, tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ như vậy so với Gia Lộc vẫn là muộn. Hơn nữa vụ đông Gia Lộc chủ yếu là rau màu, trong khi tỉnh lại giới hạn về giống hỗ trợ chỉ có ngô, đậu tương, khoai tây nên thật ra chẳng ai được hỗ trợ gì. “Theo tôi tốt nhất là cứ hỗ trợ thẳng bằng tiền theo đầu sào để người dân chủ động SX. Hỗ trợ bằng giống như vậy là vô tình tăng diện tích một loại cây nào đó, rồi giá sẽ lại hạ. Nông dân Gia Lộc có hỗ trợ thì tốt mà không có thì lâu nay họ cũng làm tốt rồi. Nhiều huyện tôi nghĩ hỗ trợ thế chứ hỗ trợ nữa mà dân họ thấy không có lãi thì họ cũng chẳng làm” – ông Sáng nêu ý kiến.