Kết quả từ ý chí vượt khó
Sau Tết Nguyên đán, đồng đất Vĩnh Phúc còn trống trơn. Rét đậm, rét hại kéo dài làm cho nhiều diện tích lúa xuân sớm và mạ để cấy lúa xuân chính vụ bị chết. Vậy mà đến ngày 10-3, chỉ sau khi thời tiết ấm lên một tuần, Vĩnh Phúc đã gieo cấy được 33.315 ha lúa, vượt mức kế hoạch đề ra. Qua đây khẳng định được sức mạnh lớn lao của nhân dân trong tỉnh, thấy rõ chất lượng dịch vụ rất tốt khâu nước tưới của các doanh nghiệp thủy nông. Ðó là đánh giá của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Chúc trong buổi họp sơ kết đợt chống rét và gieo cấy lúa đông xuân.
Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc khu vực trung du, đồng đất bị chia cắt, cao thấp không đều, có cả ruộng bậc thang, cho nên hệ thống thủy lợi rất đa dạng. Trên địa bàn tỉnh có cả các trạm bơm điện lớn như Bạch Hạc lấy nguồn nước từ sông Lô, Thanh Ðiềm lấy nước từ sông Hồng, đập dâng Liễn Sơn và các hồ chứa loại vừa và nhỏ với tổng dung tích theo thiết kế là 71,31 triệu m3. Những năm gần đây, lượng mưa ở Vĩnh Phúc liên tục thiếu hụt so với mức trung bình nhiều năm, gây nhiều khó khăn cho việc bảo đảm yêu cầu nước đổ ải và tưới dưỡng lúa suốt vụ. Bước vào vụ sản xuất đông xuân, lượng nước các hồ chứa ở Vĩnh Phúc chỉ đạt khoảng 30% dung tích thiết kế. Qua cân đối yêu cầu cần tưới của cây trồng với năng lực các công trình thủy lợi và nguồn nước hồ, Vĩnh Phúc thiếu khoảng 20 triệu m3 nước cho vụ sản xuất này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo các xã vùng khó khăn về nước tưới chuyển một phần diện tích lúa sang gieo trồng rau màu. Các hệ thống thủy lợi Liễn Sơn, Lập Thạch, Tam Ðảo, Mê Linh xây dựng phương án tưới và chống hạn cụ thể cho từng khu vực, từng xã; tận dụng tối đa nguồn nước sông, nước đập dâng để đổ ải và trữ vào ao, hồ, kênh tiêu, sông Cà Lồ cụt, giữ lượng nước trong hồ dành cho tưới dưỡng. Chi cục Trưởng thủy lợi Nguyễn Gia Thành cho biết: Nhờ chủ động nạo vét bùn cát ở các cửa lấy nước, tu bổ công trình, kênh mương và phương án đưa nước hợp lý, tận dụng mức nước sông Lô, sông Hồng dâng cao do các nhà máy thủy điện xả nước đợt ba, chỉ trong vòng mười ngày, toàn bộ diện tích cấy lúa đã đủ nước cho làm đất gieo cấy lúa trong khung thời vụ. Trên đường qua các huyện Mê Linh, Lập Thạch, Tam Ðảo, lúa xuân đã hồi xanh và bắt đầu đẻ nhánh, cánh đồng nào cũng đủ nước là kết quả bước đầu, nhưng rất quan trọng để Vĩnh Phúc thực hiện được mục tiêu 400 nghìn tấn lương thực trong năm nay.
Tận dụng mọi nguồn nước
Theo Chi cục thủy lợi Vĩnh Phúc, tổng lượng nước hiện có ở các hồ chứa trong tỉnh chỉ còn 14,5 triệu m3, đạt 20% dung tích thiết kế. Vì vậy, khó khăn nhất là các vùng tưới bằng công trình hồ đập nằm ở phía bắc huyện Tam Dương, phía bắc huyện Bình Xuyên và hai huyện Lập Thạch, Tam Ðảo. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là sử dụng tiết kiệm nguồn nước ở các hồ chứa để chống hạn cuối vụ, tận dụng nguồn nước sông để bơm và nguồn nước còn lấy được từ đập Liễn Sơn để tưới và trữ vào ao, hồ, sông Cà Lồ. Khi mức nước sông xuống thấp, máy bơm ở trạm chính không hoạt động được, thì lắp bơm dã chiến cột nước cao, tổ chức tốt việc điều tiết để tưới luân phiên cho từng khu vực. Thực hiện giải pháp này, các trạm bơm lấy nguồn nước sông như Thanh Ðiềm, Liễu Trì, Then 1 đã được lắp đặt hàng chục máy bơm dã chiến có công suất 1.000 - 1.200 m3/giờ. Ở vùng tưới bằng hồ đập, sử dụng máy bơm dầu loại nhỏ lấy nước từ các khe lạch để tưới dưỡng những đợt đầu, dành nguồn nước hồ để tưới khi lúa làm đòng, trỗ bông, không để lúa thiếu nước vào giai đoạn này.
Về huyện Lập Thạch, nơi khó khăn nhất về nguồn nước tưới. Chị Dương Thị Tường, Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi huyện dẫn chúng tôi đi xem các hồ chứa đã cạn kiệt, các trạm bơm ven sông Lô đã được lắp đặt thêm nhiều máy bơm dã chiến. Giải pháp chống hạn của huyện khả thi nhưng rất tốn kém. Là giám đốc doanh nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lại là Ủy viên HÐND huyện, chị rất hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân trước những khó khăn về sản xuất, đời sống. Vì vậy, dù khó khăn, vất vả đến đâu, cán bộ, công nhân ở công ty chị cũng cố gắng bảo đảm đủ nước cho diện tích gieo cấy lúa. Vụ đông xuân này, huyện Lập Thạch gieo cấy 3.200 ha, vượt 100 ha so với dự kiến ban đầu. Do lượng nước hồ Vân Trục chỉ còn khoảng 30% dung tích thiết kế, công ty phải sử dụng trạm bơm Then 1 và Then 2 tiếp nước cho 600 ha vùng cuối kênh tưới của hồ. Việc đưa nước tưới cho vùng này phải qua hai lần bơm: Trạm bơm dã chiến Then 1 lấy nước sông Lô đưa lên bể hút trạm bơm Then 2. Trạm bơm bậc 2 này đưa nước lên hệ thống cầu máng dẫn nước cao gần 10 m mới đủ đầu nước để tưới cho vùng cuối kênh thuộc khu vực tưới của hồ Vân Trục. Ngoài ra, công ty còn chuẩn bị hơn 20 máy bơm dã chiến chạy điện, chạy dầu để chống hạn cho các xã Sơn Ðông, Hải Lựu, Phương Khoan, Tam Sơn, Ðông Thịnh, Tử Du và bơm lượng nước chết ở các hồ chứa khi cần thiết. Tính ra, vụ đông xuân năm nay để bảo đảm lúa không bị hạn, công ty phải chi phí gần bốn tỷ đồng cho tu sửa công trình và trả tiền điện, tiền dầu.
Ðồng đất ở huyện Tam Ðảo, Tam Dương còn khó tưới hơn bởi đồi núi chia cắt thành các khu tưới nhỏ và chênh lệch về cao độ rất lớn. Toàn khu vực phụ trách của Công ty khai thác công trình thủy lợi Tam Ðảo có 5.270 ha đất canh tác, bằng mọi giải pháp cũng chỉ có thể tưới được 4.571 ha, diện tích còn lại là nhờ trời. Khu vực khó khăn nhất về nguồn nước nằm ở các xã Hoàng Hoa, Hướng Ðạo, Kim Long thuộc huyện Tam Dương; các xã Tam Quan, Ðại Ðình, Ðạo Trù thuộc huyện Tam Ðảo. Vụ đông xuân năm nay, các xã này phải tưới chủ yếu bằng bơm dã chiến và đào giếng để lấy nguồn nước chống hạn.
Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Tam Ðảo Văn Ðăng Khánh cho biết, công ty phải sử dụng 26 máy bơm dã chiến, trong đó mới mua 18 máy để đưa nước đổ ải vừa qua; đắp hàng chục đập tạm để tận dụng nguồn nước khe, lạch, kênh tiêu tưới dưỡng lúa. Những nơi không có nguồn nước phải đào 20 giếng, mỗi giếng rộng 16 m2, sâu từ 4 đến 5 m để lấy nước tưới luân phiên cho các thửa ruộng lân cận. Trong đợt đưa nước đổ ải vừa qua, cán bộ, công nhân trong đơn vị làm việc liên tục hơn mười ngày liền để bảo đảm đủ nước cho nông dân làm đất gieo cấy. Nhiều diện tích lúa phải bơm hai, ba bậc mới vào đến ruộng. Vất vả anh em không ngại, nhưng 30% tiền thủy lợi phí năm 2007 chưa được thanh quyết toán và tiền thủy lợi phí vụ đông xuân này chưa được ứng trước làm công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua sắm máy móc, chi phí chống hạn và trả lương công nhân. Nhận xét về công tác thủy lợi ở đây, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Dương (Tam Ðảo) nói với chúng tôi: Nhờ bàn giao các công trình thủy lợi của xã về công ty, năm nay nông dân trong xã mới đủ nước để cấy 139,8 ha, trong đó có mười ha phải bơm hai bậc. Cán bộ thủy nông của xã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, cho nên phục vụ khâu nước tưới rất nhanh gọn, hiệu quả.
Hệ thống thủy lợi Liễn Sơn đảm nhiệm tưới cho phần lớn diện tích lúa trong tỉnh, bao gồm các xã ở phía đông nam huyện Lập Thạch, phía tây huyện Tam Dương, huyện Yên Lạc, TP Vĩnh Yên, phía nam huyện Bình Xuyên và một phần huyện Mê Linh. Nguồn nước chủ yếu lấy từ đập Liễn Sơn và hai trạm bơm Bạch Hạc, Ðại Ðịnh. Ðây là ba công trình đầu mối đều lấy nguồn nước sông, cho nên giải pháp chống hạn là bơm trữ vào ao, hồ, sông Cà Lồ cụt trong khu vực, sử dụng các trạm bơm cục bộ và máy bơm dã chiến tưới cho các vùng cao, vùng cuối kênh. Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Liễn Sơn Nguyễn Gia Quyền khẳng định: Giải pháp đưa nước tưới và phương án chống hạn ở các hệ thống thủy lợi trong tỉnh đã cụ thể, rõ ràng cho từng khu vực, từng xã, từng cánh đồng. Ðây là những giải pháp sát thực, khả thi để đạt mục tiêu về năng suất, sản lượng lương thực của Vĩnh Phúc trong vụ đông xuân năm nay.