Tuy nhiên, hiện nay giống dứa Queen này đang đứng trước nguy cơ bị sụt giảm diện tích, năng suất, sản lượng và cả chất lượng, đe dọa nghề trồng dứa của nông dân địa phương. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn giống dứa (khóm) được nông dân xã này trồng đã quá lâu năm bằng những phương pháp nhân giống cổ truyền nên không kiểm soát được chất lượng cây giống, nguồn bệnh, đặc biệt là bệnh héo khô đầu lá do virus gây nên.
Với mục tiêu khôi phục lại nghề trồng dứa, UBND Hậu Giang đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng nguyên liệu 1.500 ha khóm Cầu Đúc, trong đó tại xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, TX. Vị Thanh chiếm trên 1.000 ha, còn lại là xã Vĩnh Viễn (Long Mỹ). Ngành nông nghiệp cũng đang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai chương trình phục tráng lại giống dứa Queen Cầu Đúc và từng bước hướng dẫn nông dân áp dụng các TBKT mới, qui trình trồng, chăm sóc giống dứa được phục tráng này nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Sau hơn 2 năm nghiên cứu, xây dựng các mô hình khảo thử nghiệm trên diện rộng ở xã Hỏa Tiến, PGS.TS Lê Văn Hòa và các cán bộ khoa học Trường Đại học Cần Thơ đã thành công trong việc tìm ra qui trình phục tráng và nhân nhanh giống dứa Queen Cầu Đúc bằng các biện pháp tổng hợp nhằm cung cấp cây giống sạch bệnh cho người trồng. Ngày 28-8-2008 vừa qua Hội đồng Khoa học Công nghệ tỉnh Hậu Giang đã nghiệm thu, đánh giá cao các kết quả của đề tài và cho phép đưa vào áp dụng trong sản xuất.
Giới thiệu tóm tắt qui trình phục tráng và nhân nhanh giống dứa Queen Cầu Đúc, chủ nhiệm đề tài Lê Văn Hòa cho biết: Các cá thể nổi trội nhất (sức sinh trưởng tốt, không có triệu chứng bị bệnh, trái có dáng đẹp, khối lượng trái đạt từ 950-1.500g, chất lượng tốt) trên các ruộng dứa sắp cho thu hoạch được chọn một cách ngẫu nhiên, lá và chồi vừa tái sinh được kiểm tra để phát hiện sự hiện diện của virus PMWaV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR. Sau khi đã kiểm tra được tính sạch bệnh, các chồi con tái sinh từ đỉnh sinh trưởng được nhân nhanh trong ống nghiệm bằng phương pháp nuôi cấy mô để tạo ra những cây con hoàn toàn sạch bệnh.
Sau 8 tuần, từ mỗi ống nghiệm ban đầu đã tạo ra được trung bình từ 5-8 chồi con có chiều cao khoảng 3cm. Sau đó các cây con giống này tiếp tục được ươm trồng thêm một thời gian (5-6 tháng) nữa trong điều kiện vườn ươm cho đủ tiêu chuẩn chồi giống (dài 18-20cm, nặng khoảng 200-250g) rồi mới đem trồng ra vườn sản xuất. Khi đem ra trồng thử nghiệm tại Trung tâm Giống nông nghiệp huyện Vị Thủy, các cây con sạch bệnh vào giai đoạn thu hoạch có chiều cao trung bình 78cm, 45-50 lá/cây, khối lượng chất xanh biến động từ 2,5-3 kg, khối lượng trái đạt từ 1.400-1.600 g. Số đo chiều dài, chiều rộng của lá không có sự khác biệt so với cây đối chứng được trồng bằng chồi nách.
Các cây giống được phục tráng hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng bệnh héo khô đầu lá trong khi cây trồng bằng chồi nách của địa phương (xã Hỏa Tiến) có đến 90% số cây và 50% số lá/cây có biểu hiện bệnh khô héo đầu lá vào giai đoạn xử lý ra hoa và thu hoạch. Chủ nhiệm đề tài Lê Văn Hòa cho biết thêm, nông dân sử dụng cây giống theo qui trình phục tráng và nhân giống sạch bệnh này sẽ cho cây dứa sinh trưởng nhanh, khỏe mạnh, đồng đều, thuận tiện cho việc xử lý ra hoa, thu hoạch cùng một lúc sẽ cho năng suất tăng cao hơn, quả đồng đều hơn, chất lượng tốt hơn so với cách nhân giống truyền thống.