00:00 Số lượt truy cập: 2690398

Giúp nông dân học cách làm theo khoa học: Nhìn từ mô hình Tả Lủng 

Được đăng : 03/11/2016

Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của các huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang, hoạt động canh tác nông, lâm nghiệp và chăn nuôi ở đây quả là một bài toán nan giải. Việc lựa chọn cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng, đang là một yêu cầu bức bách đối với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế vùng cho dân cư các huyện vùng cao núi đá ở tỉnh này.


Xã Tả Lủng là một trong những xã thuộc diện khó khăn của huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, diện tích đất nông nghiệp trên 666 ha có khả năng canh tác được. Người dân ở đây chỉ trồng 1 vụ ngô kéo dài từ 5 đến 6 tháng, trong điều kiện thiếu nước sản xuất.

Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm còn rất hạn chế với đàn trâu, bò, dê, lợn không nhiều. Điều kiện chăn nuôi và cách thức chăn nuôi chưa khoa học, nên chưa tạo được sản phẩm hàng hóa. Vì thế, Tả Lủng rất cần sự đầu tư. Năm 2003, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh triển khai dự án “Hỗ trợ vật tư kỹ thuật, xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình tại xã Tả Lủng - huyện Đồng Văn – Hà Giang”, do Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ mới thuộc sở thực hiện.

Kỹ sư Nguyễn Thị Thanh Hợp, Phó giám đốc trung tâm, chủ nhiệm dự án cho biết: Mục tiêu của dự án nhằm áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình; tập huấn tuyên truyền tạo sự chuyển biến về nhận thức, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, giúp người dân thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Ngoài ra, tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế vùng, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở những hộ gia đình thực hiện dự án.

Nhưng để thay đổi nhận thức của người dân vùng cao về tập quán, cũng như kỹ thuật canh tác là một vấn đề khó. Với cách tuyên truyền cần phù hợp dễ hiểu, nêu những phép đối chứng giữa cách làm cũ, tư duy cũ với cách làm mới, tư duy mới, để từ đó dần thay đổi nhận thức của người dân, dự án đã xây dựng mô hình trồng trọt gồm: 5 ha giống ngô HQ 2000 và 3ha cỏ Goatemala để nuôi gia súc và mô hình hỗ trợ vật tư chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y cho 20 hộ nuôi dê.

Kết quả mô hình trồng ngô HQ 2000 tại hai thôn Đọ Súng và Đề Đay với 25 hộ tham gia cho thấy, giống ngô này đã cho năng suất 40 tạ/ha, cao gấp 2 lần ngô địa phương. Mô hình trồng cỏ Goatemala với 10 hộ tham gia tại thôn Sảo Ba Sao, Há Súng, Đọ Súng cho cỏ sinh trưởng tốt đạt năng suất trên 20 tấn/ha. Với mô hình hỗ trợ xây dựng chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, dự án đã cải thiện rõ nét về tập quán chăn nuôi của người dân.

Trở lại xã Tả Lủng sau gần 3 năm thực hiện dự án. Có thể thấy bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều thay đổi. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Khắc Thành cho biết: Từ hiệu quả của dự án đã tác động không nhỏ đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi của toàn xã. Bà con đã thay đổi được nhận thức, biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Đến nay, toàn xã đã có trên 330ha diện tích ngô gieo trồng các loại giống mới, năng suất bình quân đạt 23 tấn/ha.

Toàn xã đã trồng mới hàng trăm ha các loại cây đậu tương, rau các loại, lúa nước, phát triển trên 23ha cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc. Cái được lớn nhất của dự án là nâng cao được nhận thức của người dân trong việc tự chủ sản xuất, chăn nuôi, áp dụng các quy trình khoa học tiến bộ vào phát triển sản xuất, tránh được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, cứu trợ của chính quyền địa phương.

Hà Giang đã và đang chuyển mình với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh. Người dân được trao chiếc “cần câu” thông qua các dự án, nhưng để người dân “câu” được con cá, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách cần phải giúp người dân học cách làm theo khoa học, chính đây là cách giúp bền vững nhất.