Năm 2008, tiếp tục xác định sản xuất thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã tập trung các nguồn lực để phát triển ngành thủy sản trên cả hai lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Sản lượng toàn ngành 55.216 tấn, đạt 100% kế hoạch (KH), trong đó sản lượng nuôi 26.676 tấn, đạt 100% KH trên tổng diện tích nuôi 3.310ha, đạt 92,84% KH, sản lượng khai thác biển 28.540 tấn, đạt 100% KH, trong đó khá nhất là đánh bắt xa bờ, khai thác đáy và cào xiêm, giá trị sản xuất ngành thủy sản 425,196 tỷ đồng, đạt 100, 68% KH. Toàn huyện có 08 xã nuôi tôm sú với lượng tôm sú giống thả 96,5 triệu con trên diện tích 536ha của 437 hộ; 05 xã nuôi tôm thẻ chân trắng với lượng giống thả 76,32 triệu con trên diện tích 106 ha của 102 hộ. Qua kiểm tra tôm bệnh 9,3 triệu con/49,8ha của 53 hộ chiếm 9,6% tổng lượng giống thả. Sản lượng thu hoạch 2.371 tấn, năng suất bình quân 5 tấn/ha mặt nước.
Nhìn chung tình hình sản xuất tôm tương đối ổn định, tuy nhiên do đầu vụ một số hộ nôn nóng thả nuôi sớm, tôm giống không qua kiểm dịch nên không đảm bảo chất lượng đã phát sinh dịch bệnh. Sản lượng cá nuôi các loại 2.676 tấn trên diện tích 669ha. Ngoài các diện tích ao cá gia đình, một số ao sau khi thu hoạch tôm sú đã được cải tạo và thả nuôi cá với nhiều giống loài phong phú, đặc biệt mô hình nuôi cá trê lai tập trung ở ấp Đèn đỏ xã Tân Thành mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các loại hình khai thác biển đều mang lại năng suất cao nhất là nghề đánh bắt xa bờ, đáy sông Cầu. Tuy nhiên vào đầu năm 2008, giá nhiên liệu tăng cao, phát sinh nhiều chi phí, giảm thu nhập của ngư dân. Đầu năm toàn huyện có 793 phương tiện đánh bắt xa bờ với tổng công suất 105.360 CV, đến nay còn 737 phương tiện (giảm 56 phương tiện do người dân đã bán hoặc hư hỏng nặng).
Ngoài ra, năm nay do thời tiết có nhiều thuận lợi đã tạo điều kiện cho nghêu, hến, sò huyết sinh giống chủ yếu tập trung ở các bãi triều ven sông, ven biển. Toàn huyện có 150 cơ sở sơ chế thủy sản với quy mô còn ở dạng thủ công nên hiệu suất kinh tế và kỹ thuật còn thấp.