Thời gian qua, Hội Nông dân đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng triển khai một số đề tài, dự án đạt kết quả tiêu biểu.
Dự án “Xây dựng mô hình khoa học công nghệ sản xuất và tiêu thụ lúa đặc sản cao cấp ST19 và ST20 tại huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng”: tỉnh đã xây dựng được mô hình sản xuất và tiêu thụ lúa, quy trình sản xuất lúa giống cấp xác nhận tại nông hộ, quy trình nhân nuôi nấm xanh Metarhizium anisopliae phòng trừ côn trùng hại lúa, quy trình kỹ thuật canh tác lúa thơm theo hướng an toàn, tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng và bảo trì trang thiết bị, kỹ năng xử lý sau thu hoạch và bảo quản nông sản. Kết quả thực hiện dự án góp phần phát triển sản xuất các giống lúa thơm có năng suất, chất lượng cao của tỉnh.
Dự án “Xây dựng mô hình và phổ biến quy trình nuôi Artemia thâm canh trên ruộng muối huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng”: Đã xây dựng được mô hình nuôi Artemia thâm canh với quy mô 2,8 ha, năng suất bình quân đạt 151,8 kg trứng bào xác Artemia tươi/ha/vụ/năm; Quy trình nuôi Artemia thâm canh trên rộng muối. Vụ nuôi 2013 - 2014, 2014 - 2015, có khoảng 90% diện tích nuôi Artemia (459 ha) áp dụng Quy trình nuôi Artemiathâm canh.
Đề tài “Phòng trừ rầy đầu vàng hại mía bằng nấm ký sinh tại tỉnh Sóc Trăng”: tỉnh đã xây dựng được quy trình sản xuất chế phẩm nấm xanh Metarhizium anisopliae quy mô nông hộ để phòng trừ rầy đầu vàng hại mía. Trên cơ sở kết quả của đề tài, huyện Cù Lao Dung đã triển khai dự án “Sử dụng nấm xanh phòng trừ rầy đầu vàng trên mía” quy mô 96 ha, kết quả mật độ rầy đầu vàng giảm từ 20 - 50% so với trước khi sử dụng nấm xanh Metarhizium anisopliae. Hiện nay, diện tích mía nhiễm rầy đầu vàng nặng đã giảm gần như không còn.
Dự án “Xây dựng vùng sản xuất hành tím đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng”. Kết quả: doanh nghiệp Đức Vinh và 220 nông dân sản xuất hành tím đã được cấp giấy chứng nhận với quy mô 103,45 ha. Mô hình trồng hành tím theo tiêu chuẩn GlobalGAP được cấp Giấy chứng nhận với diện tích 1.834,65 ha.
Dự án “Xây dựng mô hình khai thác thông tin Internet phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương tại các điểm chùa Khmer tỉnh Sóc Trăng” đã lắp đặt các trang thiết bị cho 22 điểm chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; tổ chức 22 lớp đào tạo kỹ năng thực hành khai thác thông tin Internet và 02 lớp đào tạo nghiệp vụ viết tin, bài giúp người dân nắm rõ hơn cách truy cập và khai thác thông tin Internet, từng bước tiếp cận và ứng dụng các thông tin về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.
Lắp đặt 22 túi ủ biogas bằng vật liệu HDPE cho nông dân ở các huyện Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, Mỹ Tú, Long Phú, Châu Thành; thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng. Sản xuất thử nghiệm được khoảng 1.700 kg phân hữu cơ từ vỏ trấu (1.500 kg vỏ trấu) theo công nghệ Nhật Bản tại nông hộ để bón cho rau màu, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Ngoài ra, hai ngành phối hợp hướng dẫn nông dân triển khai xây dựng một số mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản như: cánh đồng mẫu sản xuất giống lúa xác nhận, khảo nghiệm giống lúa triển vọng, ứng dụng máy cấy lúa vào sản xuất lúa giống ở thành phố Sóc Trăng,nuôi gà nòi thả vườn, ương cá giống ở thị xã Ngã Năm; trồng tỏi Ta ở thị xã Vĩnh Châu;trồng bưởi da xanh, cam sành, nhãn da bò ở huyện Kế Sách; cánh đồng mía mẫu, trồng nấm bào ngư trên cơ chất lá mía, trồng bắp lai, nuôi ghép cá rô phi với tôm thẻ chân trắng ở huyện Cù Lao Dung; nuôi bò sữa,sản xuất giống lúa cấp xác nhận ở huyện Trần Đề; trồng nấm linh chi ở huyện Long Phú,... đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân ở vùng nông thôn.