Từ các chương trình phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, cán bộ Hội các cấp có thể ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác Hội và hỗ trợ cho hội viên, nông dân tiếp cận và nâng cao kiến thức về khoa học công nghệ để ứng dụng vào thực tế sản xuất, sinh hoạt đời sống góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hoạt động điều chỉnh kỹ thuật sản xuất lúa hướng đến sản xuất sạch và tăng trưởng xanh bằng nhiều giải pháp đồng bộ như: 3 giảm - 3 tăng; 1 phải - 5 giảm; kỹ thuật ôm nước né rầy, tự sản xuất và sử dụng nấm xanh (Ma) trong phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; ứng dụng công nghệ sinh thái để quản lý sâu rầy; sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh… Từ việc dùng lúa hàng hóa làm giống đã chuyển sang sử dụng các cấp nguyên chủng, cấp xác nhận 1 để sản xuất, đến nay có trên 80% diện tích được sử dụng các giống lúa đặc sản chất lượng cao như: Jasmine 85, OM 4218, OM 2517, OM 5451, OM 6976…, cải thiện “đầu vào” hạ chi phí sản xuất nên năng suất, chất lượng luôn ổn định, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Đã từng bước hình thành chuỗi liên kết lúa chất lượng cao với mô hình “cánh đồng lớn” sản xuất theo quy trình, theo tiêu chuẩn. Việc hình thành và phát triển cánh đồng lớn đã tạo không gian cảnh quan xanh đẹp đã thu hút sự chú ý của các đoàn khách du lịch quốc tế với hình thái du lịch dã ngoại tại các vùng trồng lúa trên địa bàn thành phố.
Các khâu chủ yếu trong sản xuất lúa (làm đất, bơm tưới) đã được cơ giới hóa hoàn toàn, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cày ải đáp ứng 100% nhu cầu, nông dân đang áp dụng công nghệ laser để san phẳng mặt ruộng. Trong khâu thu hoạch với cơ chế giao thoa giữa các vùng trồng lúa trong khu vực, khâu cắt gặt đã được cơ giới hóa hoàn toàn (trừ diện tích đất manh không cắt gặt được).
Với việc tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật với quy mô tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã thông qua việc cải thiện kỹ thuật sản xuất đã phát triển chuỗi sản xuất rau đảm bảo cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng đã hình thành vùng rau an toàn có diện tích canh tác 304 ha được công nhận hoặc tự công bố sản xuất rau an toàn (trong đó, có 130 ha được cấp Giấy chứng nhận rau an toàn) góp phần tăng nguồn cung sản phẩm an toàn có kiểm soát cho thị trường.
Giải pháp chuyển đổi cây cơ cấu cây trồng trên đất lúa vụ Xuân Hè, Hè Thu cũng được hội viên nông dân quan tâm, nhất là trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả. Các cấp Hội đã vận động chuyển 5.840 ha từ đất lúa sang trồng các loại màu (mè, bắp, đậu nành, rau đưa các loại…). Năm 2015, có hơn 14.000 ha được trồng ở các vụ này, trong đó diện tích trồng cây mè 7.400 ha năng suất bình quân đạt 10,98 tạ/ha, tập trung tại Thốt Nốt, Ô Môn, Cờ Đỏ, lợi nhuận từ 25 - 40 triệu đồng/ha/vụ.