Trong năm 2014, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã có nhiều hoạt động tích cực thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động với Sở Khoa hoc & Công nghệ, trong đó công tác tập huấn, xây dựng thực hiện mô hình đã có nhiều kết quả nổi bật.
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội Nông dân hai huyện Cao Phong và Mai Châu tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể mía tím Hòa Bình và thổ cẩm Mai Châu cho các chủ sở hữu. Tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể mía tím Hòa Bình và thổ cẩm Mai Châu, kết hợp phổ biến pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu chí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, truyền thống tại địa phương. Xây dựng 2 mô hình dệt thổ cẩm tại xã Chiềng Châu và xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tạo việc làm thường xuyên cho 65 lao động tại địa phương. Tổ chức mở 12 lớp dạy nghề dệt, thêu thổ cẩm cho 480 hội viên, nông dân.
Phối hợp với Hội Nông dân huyện Lương Sơn và Hội Nông dân huyện Lạc Sơn tổ chức Hội thảo tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ cho 02 xã Miền Đồi và xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn các trang thiết bị máy móc, cụ thể: 03 hệ thống máy nghiền đa năng và máy nghiền đa năng tinh thức ăn cho gia súc; hỗ trợ giống lúa Zaponica có năng suất, chất lượng, chịu rét tốt ở vùng cao và chuyển giao kỹ thuật cho việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng.
Chuyển giao kỹ thuật xử lý môi trường giết mổ gia súc, gia cầm cho UBND thị trấn Kim Bôi; chuyển giao mô hình ủ rơm rạ thành phân bón cho xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn. Chuyển giao xây dựng mô hình khảo nghiệm phân bón cho cây lúa tại xã Hợp Thành, huyện Lạc Sơn và xã Nhân nghĩa, huyện Lạc Sơn; mô hình khảo nghiệm phân bón cho cây ngô tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong; mô hình xử lý vỏ cây keo thành phân bón hữu cơ vi sinh tại Công ty TNHH Phú An; mô hình trồng nấm ăn tại xã Yên Quang; mô hình nuôi ong mật tại xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn.
Từ sự hỗ trợ đó, nhiều hộ có điều kiện phát triển mô hình sản xuất mang lại thu nhập cao từ 500 triệu đồngđến gần 1 tỷ đồng/năm, điển hình như mô hình chăn nuôi, trồng trọt của anh Đặng Văn Sinh xã Liên Hoà, huyện Lạc Thuỷ; mô hình trồng nhãn hương chi trái vụ của anh Bùi Văn Lực xã Sơn Thuỷ, huyện Kim Bôi; mô hình trồng rừng của anh Nguyễn Đinh Tuy xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc; mô hình chăn nuôi sản xuất của anh Đoàn Văn Bình thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thuỷ; mô hình trồng cam của anh Lê Văn Tịnh thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong; mô hình trồng cây lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản của anh Hoàng Công Thẩm xã Hoà Sơn, huyện Lương Sơn...
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tổ chức 267 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về chăm sóc cây có múi, vỗ béo bò thịt, phòng trừ sâu bệnh cho lúa, nuôi dê, trồng rau mầm, rau an toàn, nuôi lợn thịt, vỗ béo bò thịt...
Hội Nông dân tỉnh tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất giống nông hộ tại 24 nhóm nông dân ở 9 xã thuộc 3 huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn. Ngoài ra phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khoa học Nông vận, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức thực hiện mô hình nuôi cá lồng lòng hồ Sông Đà tại xã Thái Thịnh, thành phố Hoà Bình. Phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện mô hình thâm canh tổng hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả trong sản suất lúa tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc và xã Đông Bắc, huyện Kim Bôi, quy mô 28 ha, 200 hộ nông dân tham gia; mô hình đã tổ chức 04 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa cho gần 300 hộ nông dân./.