00:00 Số lượt truy cập: 3228203

Hà Giang: khai thác lợi thế mặt nước thủy điện Na Hang để nuôi trồng thủy sản 

Được đăng : 03/11/2016
Thuỷ điện Na Hang được xây dựng ở Tuyên Quang nhưng từ việc ngăn đập đã tạo con đường 34 nối thị xã Hà Giang với huyện Bắc Mê một vùng lòng hồ rộng lớn có giá trị rất lớn về du lịch sinh thái. Từ bến đò Thượng Tân, du khách đi thuyền máy khoảng hơn 3 giờ đồng hồ là đến chân công trình nhà máy thuỷ điện.


Vùng lòng hồ với nhiều dãy núi đá vôi bao bọc, các khu rừng nguyên sinh trải dài với nhiều loại cây hàng trăm năm tuổi có giá trị rất lớn về khai thác du lịch sinh thái. Ngoài giá trị du lịch, dòng sông Gâm cũng có giá trị rất lớn trong khai thác và nuôi trồng thuỷ đặc sản. Điều kiện tự nhiên, môi trường nước sông Gâm đã tạo điều kiện sinh sống của nhiều loài cá quý hiếm.

Tôi đặt chân đến Bắc Mê khi cái rét mùa đông bắc đang hiện hữu trên vùng cao Hà Giang để được buông mình xuôi theo con nước dòng sông Gâm. Đã qua mùa mưa, lòng sông thu hẹp, để lộ ra nhiều hang, hốc đá bám xanh rêu, vậy mà dòng nước biếc xanh màu lá rừng vẫn chảy khá mạnh và réo ầm ào ở những gềnh nước. Ông Nông Văn Cường, Trưởng thôn Bó Củng ( xã Yên Phú ) bảo: Gần các gềnh nước đó, cứ vào tháng 10 âm lịch hàng năm, cá Rầm Xanh, Anh Vũ theo nhau từng đàn lánh lên những vũng nước nông giữa bãi đá và chồng đống lên nhau đẻ. Dân bản hò nhau ra dựng lều lán ăn ngủ tại chỗ để phục cá. Ngày tốt gặp tới 4 đến 5 đống cá bố mẹ lên bãi đá, quây bắt được 2 đến 3 tạ cá đem bán, còn vớt hàng chục cân trứng cá cho vào chum để ăn dần.

Bà con ven sông Gâm còn kể thêm chuyện loài cá Bỗng cứ vào mùa tháng 3 và tháng 8 (âm lịch) hàng năm, người dân ở các thôn bản ven sông Gâm, đổ xô ra vớt Bỗng mới nở trôi giạt ven sông đem về nuôi ao nhà và bán giống. Tại một hội nghị gần đây, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã đề xuất với các cơ quan chuyên môn của Bộ Thuỷ sản hỗ trợ cho huyện Bắc Mê, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh tăng cường phối hợp với huyện để bảo tồn và khai thác hợp lý mỏ cá quý hiếm này. Khi công trình thuỷ điện Nà Hang đóng nước tháng 9/2006, hơn 20 km dòng chảy sông Gâm thuộc địa phận Bắc Mê dâng cao mực nước lên cốt 120m và biến thành vùng lòng hồ rộng hàng ngàn ha. Đây là cơ hội để ngành kinh tế thuỷ sản phát triển nhằm tạo việc làm và xoá đói, giảm nghèo cho hàng ngàn hộ mới di dân ở 5 xã ven hồ, đó là: Minh Ngọc, Thượng Tân, Lạc Nông, Yên Phú và Yên Phong.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Hữu Cầu, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Toàn huyện có 13 xã, thị trấn với dân số 4,2 vạn người thuộc 14 dân tộc, trong đó chủ yếu là người Dao 38,2%, Tày 38% và Mông 20%... Từ xưa đến nay, đồng bào ở huyện vẫn quen bắt cá tự nhiên ven sông suối, còn chuyện thả mấy con cá vào ao nhà đơn thuần chỉ để cải thiện bữa ăn. Ông Đặng Quốc Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết thêm: để chuyển đổi nghề trồng lúa, trồng ngô sang đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản thì bà con cần được hướng dẫn kỹ thuật. Nhưng ở huyện đến nay không có lấy một cán bộ chuyên môn trung cấp thuỷ sản. Còn các sở, ngành ở tỉnh chưa có chính sách cụ thể nào giúp nông dân tổ chức làm thuỷ sẩn. Thực ra, đến cán bộ huyện chúng tôi cũng bỡ ngỡ, có đợt phải tổ chức cho cán bộ đi xuống huyện Vị Xuyên học hỏi kỹ năng nuôi cá lồng để về triển khai ở Bắc Mê.

Ban đầu do nhận thức của người dân còn hạn chế, UBND huyện phát động mỗi cơ quan của huyện làm một lồng cá. Sau thời gian thực hiện sáng kiến cán bộ làm trước, nhân dân làm theo, huyện thông báo nếu hộ dân nào nuôi cá lồng sẽ hỗ trợ 5,5 triệu đồng/ lồng. Huyện mời Trung tâm thuỷ sản tỉnh vào hướng dẫn cụ thể cách nuôi cá lồng ngay trên sông Gâm. Huyện cũng vận động thành lập HTX chăn nuôi cá Nà Phâu (xã Lạc Nông) để tạo hạt nhân phát triển phong trào nuôi trồng thuỷ sản. Qua tìm hiểu, tôi biết Bắc Mê bắt tay vào phát triển thuỷ sản có quy mô từ năm 2005. Đến nay, huyện có trên 100 lồng cá trên sông Gâm và 60,5 ha ao nuôi cá phân tán ở các hộ dân. Dự kiến đến năm 2010 có 10 HTX thuỷ sản ra đời, và nuôi 600 lồng cá, phấn đấu đạt sản lượng 180 tấn...