Hà Nội - Vì những vụ mùa bội thu
Được đăng : 03/11/2016
Vụ Xuân là vụ sản xuất quan trọng ở Bắc bộ. Tuy nhiên, đây luôn là vụ gặp nhiều khó khăn về nước tưới. Bảo đảm nước tưới là nhân tố quan trọng tác động đến năng suất cây trồng và ngành Thủy lợi thành phố đang nỗ lực cho những vụ mùa bội thu...
Theo Sở NN&PTNT, năm nay, thành phố sẽ gieo trồng khoảng 32 nghìn hecta cây trồng vụ Xuân, trong đó có khoảng 20 nghìn hecta lúa. Để khắc phục những khó khăn về thời tiết như khô hạn, rét… Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các quận, huyện bố trí 3 trà lúa, trong đó tập trung vào trà Xuân muộn (chiếm từ 75% đến 80% diện tích). Muộn nhất là đến 5-3-2007, các địa phương phải hoàn thành việc gieo cấy lúa Xuân. Bố trí mùa vụ hợp lý là điều quan trọng, nhưng việc bảo đảm nước tưới là nhân tố không thể thiếu để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả. ở Bắc bộ, cây vụ Đông không cần quá nhiều nước và cơ bản sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước tưới, nhưng khô hạn sẽ là trở ngại rất lớn đối với lúa Xuân. Ngay từ cuối tháng 9, Sở NN&PTNT đã có công văn yêu cầu các Cty Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra, đánh giá chất lượng, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, nạo vét kênh mương... sẵn sàng cho công tác chống hạn.
Với địa hình đặc thù, Sóc Sơn là địa phương gặp nhiều khó khăn nhất về thủy lợi của thành phố. Theo Cty Khai thác công trình thủy lợi Sóc Sơn, mặc dù lượng mưa năm nay ở huyện lớn hơn cùng kỳ năm trước, nhưng do thời tiết khô hanh nên mực nước chứa tại các hồ ở huyện khó đạt được cao trình thiết kế. Năm nay, Cty sẽ phải bảo đảm nước tưới cho khoảng 1.380ha cây vụ Đông Xuân. Để hoàn thành nhiệm vụ, Cty đã và đang tổ chức nạo vét kênh dẫn, sửa chữa máy móc, thiết bị, sẵn sàng bơm nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 39ha cây trồng sẽ không bảo đảm được nước tưới, cần chuyển đổi sang trồng các loại cây khác để đạt hiệu quả sản xuất.
Giám đốc Cty Khai thác công trình thủy lợi Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, Cty đang tập trung sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, đồng thời tổ chức nạo vét hệ thống kênh tưới đầu mối, lấy nước trực tiếp từ các sông vào đồng. Ông Thanh kiến nghị, cơ quan chức năng cần điều tiết mực nước trên hệ thống sông hợp lý, đúng thời điểm, tạo điều kiện cho các trạm bơm hoạt động hiệu quả. Bà con nông dân cày ải sớm để tiết kiệm nước khi làm đất cấy lúa.
Nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Trì phụ thuộc chủ yếu vào sông Nhuệ và nguồn nước thải từ nội thành chảy qua sông Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ. Từ năm 2002, Dự án Thoát nước Hà Nội đã cơ bản hoàn thành và nước thải từ các sông nói trên đã được tiêu thoát triệt để, nên ảnh hưởng lớn tới nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Để chủ động nước tưới phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2006-2007, UBND huyện đã phát động chiến dịch làm thủy lợi kết hợp với tu bổ giao thông nông thôn, bảo đảm nước tưới cho 1.267 ha cây trồng. Được biết, trong thời gian diễn ra chiến dịch (từ 15-11 đến 30-12), toàn huyện sẽ đào đắp, nạo vét hơn 93,4 km kênh mương tưới, tiêu. Cty Khai thác công trình thủy lợi Thanh Trì đề nghị thành phố, Sở NN&PTNT, huyện Thanh Trì đẩy nhanh tiến độ dự án lấy nước sạch từ sông Hồng qua Cty Khai thác công trình thủy lợi Hồng Vân để có thể phục vụ sản xuất nông nghiệp từ vụ Chiêm Xuân 2006-2007.
Nhìn chung, các Cty Khai thác công trình thủy lợi đều gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng, trạm bơm, máy móc, thiết bị... được khai thác, sử dụng đã lâu. Cao trình đặt máy của một số trạm bơm không phù hợp với sự điều tiết nước từ các hồ thủy điện. Các ban, ngành chức năng thành phố cần tạo điều kiện, giúp đỡ ngành Thủy lợi nhanh chóng khắc phục những hạn chế nói trên, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sản xuất của nông dân.