Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng cả nước với những vùng chăn nuôi bò sữa truyền thống như Ba Vì, Phù Đổng, Đông Anh, Sóc Sơn… Với lợi thế có địa hình miền núi, ven sông, đồi gò phù hợp cho chăn nuôi gia súc lớn, những năm gần đây, tổng đàn bò ở Hà Nội đã lên tới 209.000 con (trong đó gần 7.100 con bò sữa), chưa kể hàng chục nghìn con dê, ngựa, trâu các loại. Chăn nuôi gia súc lớn đang trở thành thế mạnh đặc biệt cho người dân Thủ đô.
“Con làm giàu” của nông dân
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Gia súc lớn (TTCNGSL), Hà Nội hiện có 7.089 con bò sữa, tập trung chủ yếu ở các huyện: Ba Vì (2.557 con), Gia Lâm (2.217 con), Đông Anh (315 con)… Không chỉ tập trung ở một số xã chăn nuôi bò truyền thống như Trung Màu, Phù Đổng (Gia Lâm); Tản Lĩnh, Vân Hoà, Yên Bài (Bà Vì)…, đàn bò sữa ở Hà Nội còn được phát triển ra nhiều khu vực ngoại thành như các xã Phương Đình (Đan Phượng); Vĩnh Ngọc, Tàm Xá (Đông Anh). Riêng xã Phượng Cách (Quốc Oai) đã có vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung, rất thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa. Trung bình mỗi ngày, sản lượng sữa bò của Hà Nội đạt hơn 48 tấn. Số sữa này được tiêu thụ rất thuận lợi nhờ hàng loạt công ty và các cơ sở chế biến sữa nằm trên địa bàn. Hiện thành phố đã có 30 trang trại chăn nuôi bò sữa với số lượng từ 10 con/trang trại trở lên.
Song song với tốc độ phát triển của đàn bò sữa, đàn bò thịt cũngkhông ngừng được tăng lên cả về chất và lượng. Hiện thành phố có hơn 201.000 con bò thịt, trong đó trên 75% là bò lai Sind. Bò thịt phát triển chủ yếu tại địa bàn các huyện miền núi và vùng đồi gò rộng lớn như: Ba Vì (40.651 con), Sóc Sơn (27.723 con), Chương Mỹ (20.430 con), Mê Linh (13.667 con)… Nhờ chăn nuôi bò thịt, nhiều hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá. Điển hình như gia đình ông Phương Văn Trường (xã Minh Châu, Bà Vì) nuôi 84 con; ông Nguyễn Đức Nguyện (Ninh Sở, Thường Tín) nuôi 40 con… Từ thành công của những người đi trước, đến nay toàn thành phố đã có 467 hộ chăn nuôi từ 5 con bò trở lên.
Ngoài bò sữa và bò thịt, Hà Nội còn có đàn trâu hơn 27.000 con, đàn dê hơn 7.000 con và đàn ngựa 275 con; mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt và thực phẩm các loại. Những con số này cho thấy, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng đàn gia súc lớn trong cả nước.
Lai tạo giống tốt và phát triển đồng cỏ
Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc TTCNGSL Hà Nội cho biết: Xác định chăn nuôi GSL là một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp, từ năm 2008 đến nay, TTCNGSL đã rất chú trọng tới công tác nâng cao chất lượng giống bò. Trung tâm đã hỗ trợ bò đực và tinh bò giống tốt cho các địa phương đưa vào khai thác sử dụng. Kết quả đã có trên 1.000 bê sinh ra phát triển tốt được người chăn nuôi ghi nhận. Trong công tác lai tạo cải tiến giống bò, TTCNGSL đã tập trung đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho bò thịt, bò sữa. Tính đến hết năm 2008, số người được đào tạo nghề TTNT bò trên địa bàn thành phố là hơn 100 người, chủ yếu là cán bộ thú y cơ sở. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, đã có 12.155 lượt con bò được TTNT (tăng 166% so cùng kỳ năm ngoái). Tỷ lệ thụ thai đối với bò sữa đạt 60%, đối với bò thịt đạt 75%...
Ông Tường cũng cho biết: Song song với việc nâng cao chất lượng bò giống, ngành nông nghiệp hết sức quan tâm tới việc phát triển đồng cỏ, giải quyết thức ăn chăn nuôi. Toàn thành phố có 650ha cỏ trồng. Những năm qua, TTCNGSL đã hỗ trợ người chăn nuôi nhiều giống cỏ mới có năng suất chất lượng cao như cỏ Sweet Rumbo, cỏ Ghi lê, cỏ Stylo, cỏ VA 06… Hiện thành phố đã hình thành một số vùng trồng cỏ lớn ở các xã thuộc các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh… TTCNGSL đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn cho nhiều hộ dân áp dụng phương pháp chế biến cỏ và sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; đưa nhiều sản phẩm thức ăn chăn nuôi thay thế cho bê, góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi và hạ giá thành sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm còn tổ chức 95 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản cho trên 9.000 hộ dân; đào tạo mới và đào tạo nâng cao cho hàng trăm lượt cán bộ khuyến nông; hỗ trợ xây dựng gần 100 hầm biogas cho các hộ chăn nuôi bò thịt; triển khai hỗ trợ các hạng mục tại 284 hộ chăn nuôi bò sữa…
Sẽ trở thành ngành sản xuất chính
Cũng theo ông Tường, ngoài những lợi ích về kinh tế, ngành chăn nuôi GSL đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho trên 100 ngàn lao động nông thôn ở Hà Nội, góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Để khắc phục những hạn chế (về quy mô, tâm lý, kiến thức…) của người chăn nuôi và để phù hợp với quy hoạch phát triển chung, chủ trương của thành phố trong thời gian tới là sẽ quy hoạch vùng chăn nuôi GSL theo hướng ổn định lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất (đặc biệt ở những vùng đồi gò, vùng ven sông). Thành phố cũng sẽ hình thành các vùng chăn nuôi lớn, khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Ngoài mô hình chăn nuôi tập trung, thành phố cũng sẽ phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, ở một số vùng, huyện, xã trọng điểm theo hướng sản xuất hàng hoá, hiệu quả, an toàn dịch bệnh.
Mục tiêu của thành phố là từ nay đến năm 2015, sẽ tăng số lượng đàn bò sữa lên 12.000 con, tập trung vào các huyện Ba Vì, Gia Lâm và các xã có điều kiện thuận lợi như Phượng Cách, Phương Đình… Đưa năng suất sữa lên 4,5 tấn/con/chu kỳ và nâng sản lượng sữa toàn thành phố từ gần 50 tấn/ngày lên 100 tấn/ngày. Đối với đàn bò thịt, thành phố dự tính sẽ tăng lên 260.000 con vào năm 2015, trong đó tiếp tục nâng cao chất lượng và tỷ lệ thịt. Cụ thể hơn, từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ xây dựng mô hình xã chăn nuôi bò thịt từ 15 – 20 xã; mô hình xã chăn nuôi bò sữa từ 10 – 15 xã và mô hình hộ chăn nuôi bò thịt từ 40 – 100 con là 100 hộ.