Theo báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, tính đến năm 2013, thành phố có 55 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, vượt kế hoạch UBND thành phố giao 7 xã; 148 xã đạt và cơ bản đạt 14-18 tiêu chí; 156 xã đạt và cơ bản đạt 10-13 tiêu chí; 42 xã đạt và cơ bản đạt 5-9 tiêu chí. Có được kết quả trên là có sự tham gia có hiệu quả của các cấp Hội Nông dân từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất cao, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế cao, tính cạnh tranh cao, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: trồng hoa ở Mê Linh, Từ Liêm, Tây Hồ, Đông Anh; Trồng rau an toàn ở Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Hoàng Mai; cây ăn quả ở Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Oai; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Sơn Tây, Ba Vì,...; chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì, Gia Lâm,…
Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo vốn cho hội viên phát triển sản xuất, các cấp Hội Nông dân Hà Nội đã tăng cường công tác vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tính đến 30/6/2014, tổng nguồn Quỹ HTND là 449 tỷ 713 triệu đồng, là đơn vị dẫn đầu trong toàn quốc về xây dựng Quỹ HTND, trong đó Quỹ HTND cấp thành phố đạt 392,6 tỷ đồng, Quỹ cấp huyện 34,7 tỷ đồng; Quỹ cấp xã vận động 22,3 tỷ đồng. Nguồn vốn trên đã hỗ trợ cho 72.566 hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, giúp hàng ngàn nông dân thoát nghèo, ổn định đời sống.
Ngoài ra, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng số dư nợ đến 30/6/2014 là 1.091 tỷ 427 triệu đồng cho 75.439 hộ hội viên nông dân vay thông qua 2.473 tổ tiết kiệm và vay vốn; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 699 tỷ 784 triệu đồng để sản xuất các mặt hàng có giá trị kinh tế cao như: Trồng cam canh, bưởi diễn, trồng hoa, cây cảnh, trồng rau an toàn, chăn nuôi lợn, gà, chăn nuôi bò, nuôi trồng thủy sản… tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân.
Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật,… cho nông dân. Phối hợp với các ngành, doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt chương trình liên kết “bốn nhà” giúp nông dân phát triển sản xuất. Đã phối hợp với Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Anh, Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Công ty phân lân nung chảy Văn Điển giúp nông dân mua hàng trăm nghìn tấn phân bón trả chậm (các huyện làm tốt như Mỹ Đức, Ba Vì, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Gia Lâm, Mê Linh,…) giúp hội viên phát triển sản xuất./.