00:00 Số lượt truy cập: 3233989

Hà Nội nuôi mục tiêu làm lúa hàng hóa 

Được đăng : 03/11/2016

TT Khuyến nông phối hợp với TT giống cây trồng, Hà Nội, vừa tổ chức Hội nghị đầu bờ lớn tại xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) để đúc rút vụ mùa 2009 và chọn hướng đi cho cây lúa Thủ đô.


Ngoài chủ trương phát triển nhanh diện tích lúa gieo thẳng bằng công cụ kéo tay, chiến lược “ba nhà” cùng bắt tay trồng lúa hàng hóa để tạo thương hiệu “Gạo thủ đô” cũng đang được triển khai. Đặc biệt, lãnh đạo ngành nông nghiệp Hà Nội đang tỏ ra rất “kết” với phân bón hiệu Đầu Trâu, Thần nông Minh Châu và hai giống lúa SH2, HT9.


Kế hoạch 5 nghìn tỉ đồng lúa hàng hóa 


Sau 2 năm liên tiếp triển khai chương trình gieo thẳng lúa theo hàng bằng công cụ kéo tay, năm 2009 được xem là năm Hà Nội rốt ráo đẩy nhanh diện tích lúa theo phương pháp mới này. Sở NN-PTNT đã chỉ đạo cho TT Khuyến nông mua hơn 1.000 công cụ gieo thẳng, sau đó in hàng nghìn đĩa hình hướng dẫn cho nông dân cách dùng máy. Hai huyện tiên phong trong phong trào gieo thẳng là Ba Vì và Phúc Thọ được hỗ trợ 20% thuốc trừ sâu.


Hơn 30 tấn lúa giống SH2 cũng đã được “phát không” cho các huyện hăng hái mở rộng diện tích gieo sạ. Nhờ thế, vụ xuân năm 2009 diện tích gieo sạ theo hàng toàn TP đã đạt hơn 3.600ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2008. Vụ mùa năm 2009, diện tích gieo thẳng đã tăng lên hơn 4.300ha, tập trung nhiều nhất ở Ba Vì, Phúc Thọ, Thanh Oai, Chương Mỹ… Mặc dù hiện tại lúa chưa gặt nhưng năng suất chung ước đoán sẽ đạt trên 60 tạ/ha, cao hơn so với lúa cấy 10 đến 15%.


TT Khuyến nông Hà Nội hiện đang có kế hoạch đến năm 2010 sẽ đẩy diện tích gieo sạ này lên trên 20 nghìn ha. Ông Chu Công Tiện – PGĐ TT Khuyến nông Hà Nội dự tính: “Khi diện tích gieo sạ đạt trên 50% tổng diện tích lúa của Thủ đô, lợi nhuận mang lại từ cây lúa sẽ đạt trên 5.000 tỉ đồng/năm, làm lợi trên 100 tỉ đồng mỗi năm so với phương pháp cấy lúa truyền thống. Muốn vậy sang năm 2010, TP cần phải đầu tư 50% thuốc trừ sâu và 70% giàn sạ cho nông dân thì mới đẩy nhanh được tốc độ mở rộng diện tích”.


Phân Đầu trâu + giống SH2 = “Gạo thủ đô”?


Không chỉ có ngành Khuyến nông đang miệt mài phấn đấu loại bỏ cách làm lúa “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, TP Hà Nội cũng đang chỉ đạo TT giống cây trồng rốt ráo triển khai kế hoạch SX lúa hàng hóa với thương hiệu “Gạo thủ đô” theo mô hình liên kết “ba nhà” (nhà khoa học, nhà nông, nhà DN). Để khởi động kế hoạch này, vụ mùa năm 2009 vừa qua, TT giống cây trồng Hà Nội hợp tác với Cty CP lương thực Hồng Hà (thuộc Tổng Cty lương thực miền Bắc) đã “bắt tay” với HTX Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) trồng gần 70ha hai giống lúa chất lượng cao HT9 và SH2.


Đi thăm ruộng, ông Nguyễn Bá Sướng – GĐ TT giống cây trồng Hà Nội phân tích, lúa HT9 và SH2 vụ này vượt trội hoàn toàn so với lúa Khang Dân mà nông dân Đồng Phú cấy đại trà. Cụ thể: năng suất lí thuyết và thực tế ước tính đều đạt trên 55 tạ/ha, không thua kém Khang Dân. Thời gian sinh trưởng tương đương nhau, song xét về hiệu quả kinh tế thì 2 giống HT9 và SH2 sẽ “ăn đứt” Khang Dân từ 2,4 đến 3,4 triệu đồng/ha vì giá bán cao. Cụ thể ở HTX Đồng Phú vụ này, với trên 50ha lúa HT9 và SH2, ước tính sẽ cho thu nhập tăng trên 145 triệu đồng so với cấy lúa Khang Dân. Theo thỏa thuận Cty CP lương thực Hồng Hà sẽ mua hết thóc HT9 và SH2 với giá cao hơn từ 20 đến 30% so với giá lúa Khang Dân trên thị trường. Để ràng buộc lại, HTX Đồng Phú cũng phải cam kết đưa ít nhất 70% sản lượng lúa làm ra bán cho Cty Hồng Hà.


Đáng chú ý hơn cả trong vụ mùa này trên cánh đồng thử nghiệm “liên kết 3 nhà” của xã Đồng Phú phải kể đến 3ha lúa SH2 có bón phân NPK hiệu Đầu trâu và phân Thần nông Minh Châu. Năng suất 3ha này… cao vọt so với các ruộng khác không bón hai loại phân trên! Ông Phạm Văn Thành – Chủ nhiệm HTX Đồng Phú khoe diện tích bón 2 loại phân trên có năng suất trung bình từ 61 đến gần 64 tạ/ha (so với ruộng bón loại phân khác là 55 tạ/ha). Trong khi đó chi phí lại tiết kiệm tới 6.000đ đến 14.000đ/sào. Nếu quả đúng thế thì vụ tới, chắc nông dân Đồng Phú sẽ mua phân Đầu trâu và Thần nông dùng tuốt!


 Xem ra, vụ đầu tiên thử nghiệm trình diễn mô hình “liên kết ba nhà” để SX lúa hàng hóa chất lượng cao nhằm tiến tới mục tiêu thương hiệu “Gạo thủ đô” của Hà Nội diễn ra rất thuận lợi.