00:00 Số lượt truy cập: 2678543

Hà Tây - Công nghệ khí sinh học góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn và cải thiện môi trường sống 

Được đăng : 03/11/2016
Hà Tây là tỉnh phát triển mạnh về chăn nuôi, chiếm 47,8% giá trị sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, chăn nuôi của Hà Tây thải ra một lượng chất thải lớn vào môi trường. Toàn tỉnh hiện có trên 13.825 hầm bioga.



Số hộ có chuồng trại xử lý chất thải mới chỉ đạt trên 45%. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn nhất là khu vực làng nghề và chăn nuôi tập trung hiện nay khá nghiêm trọng.

Công nghệ khí sinh học là một giải pháp giúp giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường do chất thải của chăn nuôi, sinh hoạt của con người và mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội quan trọng khác. Công nghệ khí sinh học (CNKSH) là quá trình phân giải các chất hữu cơ như cơ thể và chất thải động vật, cây xanh (thực vật) thường bị thối rữa do tác động của các sinh vật rất nhỏ bé mắt thường không nhìn thấy được (gọi là các vi sinh vật) và tác động của điều kiện tự nhiên. Quá trình phân giải xảy ra trong môi trường không có ôxy được gọi là phân giải kỵ khí; Quá trình phân giải kỵ khí sinh ra hỗn hợp khí gọi là khí sinh học (KSH). Nó gồm nhiều chất khí trong đó có hai thành phần chủ yếu là khí mêtan (CH4) và khí cacbonic (CO2); mêtan là khí cháy được chiếm hơn 60% nên KSH cháy được.

Từ năm 2003 được sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan chương trình “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam” được triển khai tại 23 tỉnh, Hà Tây tham gia chương trình từ năm 2006 - 2010. Với mục tiêu chính của chương trình là cải thiện vệ sinh môi trường và năng lượng cho người dân và nông thôn phát triển bền vững, góp phần giảm thải khí nhà kính, trong đó cơ chế phát triển sạch (CDM) do thế giới phát động.

Năm 2006, mặc dù Hà Tây được TƯ đưa vào pha hai (từ năm 2006-2010), thời gian triển khai gấp bên cạnh đó kinh phí đối ứng của tỉnh chậm và đây là chương trình buộc phải thực hiện theo đúng qui trình, hướng dẫn của TƯ, tuy vậy Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn đã tổ chức làm thí điểm được 300 hầm trên địa bàn 5 huyện Thanh Oai (80 hầm); Phúc Thọ (60 hầm); Ứng Hòa (50 hầm); Thạch Thất (60 hầm); Mỹ Đức (50 hầm), với chất lượng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đề ra được nhân dân phấn khởi, tin tưởng. Từ năm 2007 tỉnh được đầu tư mỗi năm là 1.200 hầm ngoài chương trình vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ.

Công nghệ sản xuất KSH được gọi là công nghệ KSH được quy định áp dụng công nghệ sinh học theo “Tiêu chuẩn ngành 10TCN - 494 -:- 497 - 2005” của Bộ NN&PTNT. Đó là loại thiết bị hầm “Biogas” nắp cố định vòm cầu theo hai kiểu KT1 và KT2; với KT1 dùng ở nơi có địa chất nền móng vững chắc, còn KT2 ở vùng địa chất nền móng yếu. Công nghệ này cũng được quy định cho chương trình vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng các công trình nước sạch và VSMT nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Tây.

Công nghệ sinh học đã đem lại những lợi ích gì cho người dân? Trong điều kiện Hà Tây là một tỉnh nông nghiệp với đại đa số người dân sống bằng nghề nông, thủ công nghiệp, làng nghề, nuôi trồng thủy sản... và cùng với chủ trương của tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đưa tỉ trọng chăn nuôi chiếm 50% giá trị sản xuất nông nghiệp thì vấn đề xử lý môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra là rất bức xúc. Việc áp dụng CNKSH sẽ đem lại lợi ích to lớn về môi trường; về năng lượng; lợi ích về nông nghiệp...

Về lợi ích môi trường CNKSH cải thiện vệ sinh đun nấu sẽ giảm bệnh về phổi và mắt. Phân chuồng được xử lý giảm được các bệnh về giun sán và truyền nhiễm. Giảm được mùi ô uế, hôi thối. Bên cạnh đó, việc dùng phụ phẩm làm phân bón cho cây sẽ hạn chế thuốc trừ sâu, bảo vệ đất khỏi bạc màu, xói mòn, hạn chế phá rừng để làm chất đốt. Đặc biệt, CNKSH làm giảm phát thải nhà kính. Theo thống kê của tổ chức môi trường thế giới thì mỗi năm, mỗi hầm KSH làm giảm thiểu khí phát thải CO2 ra không khí từ 2 - 5 tấn. Theo cơ chế phát triển sạch (SDM) lượng giảm phát thải này có thể bán cho các nước công nghiệp theo thể thức là “Cơ chế phát triển sạch” với giá khoảng từ 3 đến 4 USD/1tấn CO2, đem lại hiệu quả kinh tế và cải thiện môi trường sống.

Sử dụng CNKSH sẽ đem lại lợi ích to lớn về năng lượng như phục vụ cho đun nấu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), thắp sáng cho ánh sáng như đèn mạng (măng - sông) dầu hỏa; chạy động cơ đốt trong, cung cấp nhiên liệu cho các động lực chạy máy xay xát, máy bơm nước, máy phát điện (một hầm nuôi 10 con lợn có thể cung cấp nhiên liệu cho một máy phát điện khoảng 1,5KV). Ngoài mục đích năng lượng, KSH còn có thể dùng bảo quản rau, quả, ngũ cốc.v.v.

Còn đối với nông nghiệp, nguyên liệu nạp vào thiết bị KSH, một phần chuyển hóa thành KSH, phần còn lại là phụ phẩm gồm bã đặc và nước thải lỏng. Phụ phẩm là sản phẩm thứ hai rất có giá trị, có thể được dùng vào nhiều mục đích như làm phân bón có tác dụng tăng năng suất cây trồng, hạn chế sâu bệnh, nâng cao độ phì của đất. Ngoài ra, còn có tác dụng xử lý hạt giống trước khi gieo trồng; làm thức ăn bổ sung cho gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản; trồng nấm, nuôi giun...

Việc áp dụng và sử dụng rộng rãi CNKSH trong nông thôn hiện nay là rất cần thiết nó là tiền đề tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hiện đại hóa nông thôn. Các cấp chính quyền và nhân dân trong tỉnh cần nâng cao nhận thức, huy động mọi nguồn lực để xây dựng nhiều công trình KSH đúng tiêu chuẩn quy định, nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và cải thiện nâng cao môi trường sống./.