00:00 Số lượt truy cập: 3235683

Hà Tây: Áp dụng kỹ thuật gieo lúa theo hàng bằng giàn kéo tay 

Được đăng : 03/11/2016

Tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, Trung tâm khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Tây đã tổ chức trình diễn kỹ thuật gieo thẳng lúa theo hàng bằng giàn kéo tay thay phương pháp cấy lúa truyền thống trong bối cảnh vụ xuân năm nay đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua.


Tại cuộc trình diễn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia Tống Văn Khiêm cho biết, gieo lúa thẳng hàng bằng giàn kéo tay là một trong những biện pháp cần thiết trong thời điểm hiện tại vì phương pháp này có nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian sinh trưởng so với lúa cấy từ 7 đến 10 ngày; đỡ tốn công cấy, công nhổ mạ; tranh thủ được thời vụ: 1 giàn sạ, 2 người kéo trong 1 ngày được 2 ha (1 sào kéo hết khoảng 10 phút); cho năng suất cao hơn so với lúa cấy từ 10 đến 15%; mật độ sạ 30 đến 40 kg thóc giống/1ha. Tuy nhiên, ông Khiêm cũng cảnh báo phương pháp này đòi hỏi phải làm đúng quy trình kỹ thuật và phụ thuộc vào chất lượng đất (phù hợp nhất với đất thịt pha) nên đề nghị cán bộ khuyến nông các tỉnh thành chỉ đạo sát sao giúp nông dân thực hiện gieo thẳng lúa bằng giàn kéo tay đạt hiệu quả.

Từ năm 2007, tỉnh Hà Tây đã trình diễn thành công mô hình gieo sạ lúa theo hàng bằng giàn kéo tay cả hai vụ xuân và mùa trên 50 ha tại bốn huyện, thành phố là Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất và Hà Đông. Trước cuộc trình diễn tại xã Cổ Đô, trong vụ rét đậm rét hại của vụ xuân năm 2008, cũng tại tỉnh Hà Tây, một cuộc trình diễn tương tự đã được thực hiện tại xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hoà, trên diện tích 10 ha. Dự kiến vụ mùa 2008, tỉnh Hà Tây sẽ mở rộng diện tích gieo thẳng lúa theo hàng bằng giàn kéo tay lên 3.000 đến 4.000 ha.

Ông Chu Văn Thưởng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tây cho biết, vụ xuân 2008, Hà Tây có kế hoạch sản xuất 76.000 ha lúa. Tuy nhiên, trong đợt rét lịch sử vừa qua, tính đến ngày 15/2, toàn tình đã có gần 900 ha mạ bị chết, chiếm 23% và 3.600 ha trong tổng số 8.000 ha lúa cấy bị chết.