Hơn thế, các loại rau được trồng ở vùng đất đồi gò này xứng đáng được coi là rau sạch vì ngoài việc tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất RAT, rau được trồng trên vùng "đất sạch, nước sạch, không khí sạch". Nước dùng để tưới rau ở đây là nguồn nước từ các hồ tự nhiên. Kết quả phân tích mẫu đất, nước về hàm lượng kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh do Trung tâm quan trắc môi trường thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường nhà đất Hà Nội thực hiện và kết quả phân tích các mẫu rau lấy tại Trung tâm sơ chế do Trung tâm bảo vệ thực vật thực hiện đều cho thấy rau trồng ở khu đồi voi là" rau sạch".
Được biết, để thực hiện mục tiêu sản xuất, sơ chế, phân phối RAT đến tận tay người tiêu dùng, ngoài việc chọn các khu đất đồi gò phù hợp như khu đồi Voi (Ba Vì); dự kiến thuê khoảng 300 ha tại vùng đất thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để hình thành vùng rau sạch, Công ty đang làm thủ tục đăng ký tiêu chuẩn rau hữu cơ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với một số loại rau rừng tự nhiên như rau tàu bay, rau càng cua, rau lênh, rau tai voi, rau báng...
Hà Tây hiện có khoảng 20.000 ha chuyên canh rau nhưng diện tích trồng rau được kiểm soát thực hiện quy trình sản xuất RAT còn rất thấp. Tỉnh đã chú ý khâu quy hoạch, thực hiện một số dự án RAT như vùng sản xuất rau tại 2 xã Song Phương, Tiền Lệ (huyện Hoài Đức), khu vực thị trấn Trúc Sơn (huyện Chương Mỹ), hình thành một số vùng trồng rau tại một số xã thuộc huyện Thường Tín như Tân Minh, Thư Phú và một số xã thuộc 2 huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, thành phố Sơn Tây. Tuy nhiên kết quả đạt được cho đến nay còn hết sức khiêm tốn.
Ngoài khó khăn về "dồn điền đổi thửa", để hình thành các vùng trồng RAT đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về đất, nước tưới, xa đường quốc lộ, bệnh viện,... vốn đầu tư không phải nhỏ trong khi giá bán RAT rất khó cạnh tranh. Lợi nhuận từ sản xuất RAT chưa hấp dẫn các hộ nông dân nên việc mở rộng các vùng trồng RAT chưa thể thực hiện trong ngày một, ngày hai.