Được sự giúp đỡ của Cục Khuyến nông (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), đến nay tỉnh Hà Tây đã mở rộng diện tích trồng cỏ VA06 lên 300 ha ở các vùng đất đồi gò, vùng bãi ven sông. Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện chương trình nhân giống, hỗ trợ các huyện, thành phố mở rộng diện tích trồng giống cỏ chất lượng lên 1.000 ha vào năm 2009 và 4.000 ha vào năm 2010 để có đủ thức ăn cho đàn bò sữa, bò thịt phát triển lên 200 nghìn con/năm, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ, Đan Phượng và thành phố Sơn Tây đã mở rộng vùng trồng cỏ tập trung; mỗi huyện đã trồng được 70 - 100 ha. Hà Tây cũng đã qui hoạch 14 khu vực trọng điểm chăn nuôi gia súc lớn; giao cho ngành nông nghiệp phối hợp với các huyện chuyển giao kỹ thuật và cung ứng cỏ giống đến hộ sản xuất để các khu vực chăn nuôi tập trung đều chủ động đưa giống cỏ này vào sản xuất đại trà.
Qua thực tế tại các hộ sản xuất ở các vùng bãi phù sa, cỏ VA06 cho thu hoạch từ 6 đến 8 lứa/năm; năng suất trung bình từ 500 đến 1.300 tấn/ha/năm. Tại các điểm trồng cỏ đạt năng suất cao nhất ở Quốc Oai, Phúc Thọ, Sơn Tây, Chương Mỹ, Đan Phượng cho thu hoạch 1.500 - 2.000 tấn cỏ/ha/năm; trồng ở vùng đồi gò trung bình đạt 500 tấn/ha/lứa (40 - 45 ngày tuổi/lứa), lứa thứ 3 cho 629 tấn/ha/lứa.
Cỏ VA06 là giống cỏ nhập từ châu Mỹ đưa vào khảo nghiệm tại Hà Tây từ năm 2006; giống cỏ được lai tạo giữa cỏ Voi và cỏ Đuôi sói. Qua kết quả phân tích, các mẫu cỏ được trồng tại Hà Tây đều cho thành phần chất đạm, béo, đường... chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn các chất này có trong các giống cỏ đang trồng phổ biến ở địa phương nên gia súc thích ăn và phát triển tốt, nhất là bò sữa ăn cỏ này đã cho năng suất và chất lượng sữa cao hơn hẳn so với ăn các loại cỏ khác, sữa thơm, ngon hơn. Năng suất cỏ VA06 gấp 3 lần giống cỏ voi, gấp 5 lần cỏ Ghinê và gấp 10 lần cỏ Stylo. Cỏ VA06 thích hợp với chăn nuôi trâu, bò, dê, thỏ, gà tây và cá trắm... Bằng kết quả thực tế, các nhà khoa học và hộ trồng cỏ đã khẳng định đây là giống cỏ tốt nhất từ trước đến nay mà địa phương đã trồng và sử dụng vào chăn nuôi./.