Hà Tĩnh tìm nước cứu lúa
Được đăng : 03/11/2016
Liên tục từ tháng 4 đến nay, nhiều khu vực ở Hà Tĩnh nhiệt độ luôn ở mức 35-38oC, (có ngày lên đến 40-42oC), kèm theo gió tây nam thổi mạnh đã làm cạn kiệt hầu hết các hồ, đập thủy lợi và các nguồn nước, làm cho 25% diện tích lúa và hoa màu ở các huyện phía bắc có nguy cơ mất trắng... Nông dân Hà Tĩnh đang nỗ lực chống hạn.
Chúng tôi có mặt tại xã An Lộc (Lộc Hà) vào những ngày "đỏ lửa" tháng 6.Đã hơn 17 giờ chiều nhưng nắng vẫn gắt, gió tây nam rát nóng, dọc đường kênh mương khô rang, những ruộng lúa nứt nẻ, cháy héo. Trên các cánh đồng, bà con nông dân đang cố chắt chiu từng giọt nước để cứu lúa. Anh Trần Văn Dũng ở xóm 2 bó gối nhìn đám ruộng nứt nẻ, sầu rỉ: "Vụ hè thu năm nay, gia đình đầu tư hơn một triệu đồng mua 20 kg giống Nhị ưu 838 gieo 1,5 ha lúa với hy vọng sẽ có một vụ sản xuất thắng lợi, nhưng giờ đây hạn đã cơ bản "thu hoạch" hộ". Theo Phó Chủ tịch UBND xã An Lộc Nguyễn Đình Thanh, sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân, xã An Lộc đã huy động bà con ra quân, tiến hành nạo vét, khơi thông hệ thống kênh dẫn, trục lạch. Trong chiến dịch này, xã đầu tư hơn 100 triệu đồng để tu bổ, nâng cấp hệ thống thủy lợi sẵn sàng phục vụ nước tưới cho 125 ha lúa hè thu trên địa bàn. Ngoài ra, bà con chủ động mua nhiều giống lúa mới có năng suất cao, đủ khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhằm bảo đảm cho vụ hè thu thắng lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm này những nỗ lực của chính quyền và bà con nông dân ở đây đang dần bị "đốt cháy". Ông Thanh cho biết thêm, để cứu lúa, chúng tôi đã yêu cầu công ty thủy nông bơm thêm nước. Nhưng một thực tế đáng buồn là khi có nước thì điện lại không có, hoặc nước mới bơm được vài giờ đồng hồ thì bị cắt điện. Trong điều kiện nắng nóng kéo dài, ruộng đồng khô, nứt nẻ, nước bốc hơi mất, thành ra nước bơm chẳng thấm vào đâu; đấy là chưa kể nguy cơ bị nhiễm mặn là rất lớn. Tình trạng khô hạn kéo dài, hai trạm bơm của xã vừa được tu bổ với công suất 1.800 m3/giờ cũng đành nằm chóc vó, vụ sản xuất hè thu của bà con có nguy cơ mất trắng.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Lộc Hà Đặng Văn Hiển cho biết, vụ hè thu năm nay toàn huyện gieo cấy trên 1.800 ha, do nắng nóng, nguồn nước trên sông Nghèn xuống thấp, nên tình trạng khô hạn, thiếu nước trầm trọng đã xuất hiện ở một số địa phương như Bình Lộc, An Lộc, Thịnh Lộc, Tân Lộc... làm khoảng 1.500 ha lúa và hoa màu có nguy cơ mất trắng. Mặc dù, trước đó huyện đã có chủ trương chuyển đổi một số diện tích trồng lúa cuối nguồn nước sang trồng hoa màu nhưng cũng không sinh trưởng, phát triển được cùng với nguy cơ thiếu nước uống cho hàng nghìn người dân và đàn gia súc.
Được biết Lộc Hà, Can Lộc và một phần diện tích của thị xã Hồng Lĩnh là những địa phương mà nguồn nước chủ yếu lấy từ sông Lam, sông La đẩy xuống trục sông Nghèn để bơm nhưng ngay từ đầu tháng 3, Công ty quản lý công trình thủy nông Linh Cảm đã phát hiện ở cống Trung Lương (lấy nước sông Lam) đã nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép. Mặt khác do hệ thống kênh mương xuống cấp nên phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp đạt hiệu quả thấp. Đến ngay vựa lúa huyện Đức Thọ cũng phải chung cảnh sống dở chết dở vì thiếu nước, thiếu điện bơm nước. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ Nguyễn Hoài Đức nói: "Chúng tôi hiện có gần 2.000 ha bị hạn nặng, nhưng nếu cứ đà nắng nóng gay gắt và cắt điện thường xuyên như hiện nay thì diện tích bị hạn chắc chắn sẽ còn tăng thêm".
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh: Hiện, tình trạng hạn hán đang xảy ra trên diện rộng chủ yếu ở các huyện phía bắc tỉnh như: Hương Sơn, Đức Thọ, Nghi Xuân, Lộc Hà, Hương Khê, Thạch Hà, Vũ Quang... Trong tổng số 38.700 ha lúa đã gieo cấy, đến nay có khoảng 10.000 ha lúa cùng nhiều diện tích cây màu có nguy cơ mất trắng nếu trong vài ngày tới không có mưa...
Để chống hạn cứu lúa, các đơn vị thủy lợi có kế hoạch tích trữ nước hồ, đập ngay từ vụ đông xuân. Giám đốc Công ty KTCTTL Can Lộc Nguyễn Hồng Quang cho biết, ngay từ vụ đông xuân 2009, công ty đã tranh thủ bơm nước trên các sông suối khi mực nước còn cao tích trữ vào các hồ, đập. Công ty cũng yêu cầu các cụm, trạm xây dựng quy trình tưới, thống nhất lịch tưới hợp lý nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước để dành cho vụ hè thu. Đồng thời vận động bà con đắp bờ giữ nước tại chân ruộng khi thu hoạch lúa đông xuân để ruộng liền bùn thuận tiện cho việc làm đất nhằm tránh phải bơm thêm một lần nước. Phương pháp tưới mà công ty đặt ra là "Xa trước, gần sau; cao trước, thấp sau". Đối với các hồ chứa, nếu lượng nước đầu nguồn không đủ để tưới đồng loạt thì tiến hành tưới luân phiên; trường hợp hồ ở mực nước chết mà vẫn phải mở để chống hạn thì các cụm, trạm quản lý phải kịp thời báo cáo, phê duyệt. Cùng đó, các cụm, trạm quản lý cống ngăn mặn, giữ ngọt phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra nồng độ mặn để có kế hoạch đóng, mở cống hợp lý. Ngoài các biện pháp quản lý, công ty đã tiến hành các biện pháp sửa chữa, nạo vét các tuyến kênh để hạn chế sự thẩm thấu, rò rỉ nước; bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, đường dây tải điện của các trạm bơm, nạo vét trục dẫn, kênh dẫn; bảo dưỡng các cống điều tiết nước trên hệ thống kênh trục sông Nghèn, quan trắc hệ thống cánh đóng mở tự động của cống Đò Điệm. Còn Công ty quản lý công trình thủy nông Linh Cảm thì tổ chức trực 24/24 giờ trong ngày tại các trạm bơm để chờ điện, chờ nước và kiểm soát độ mặn ở các cống lấy nước để "giải hạn" cho 10.000 ha lúa...
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác xuống các địa phương để chỉ đạo; đồng thời có chỉ thị, yêu cầu ngành điện ưu tiên cấp điện 24/24 giờ cho các trạm bơm và cấp kinh phí, hỗ trợ mua máy bơm chống hạn. Các địa phương ngoài việc chủ động chuyển 2.000 ha diện tích trồng lúa không chủ động nước sang trồng màu đồng thời huy động hàng vạn ngày công để sửa chữa các công trình thủy lợi; tổ chức các trạm bơm dã chiến và phát động nhân dân mua máy bơm mi-ni... để chống hạn. Các công ty thủy nông bố trí trực, tranh thủ trực điện để bơm lấy nước từng giờ đồng hồ và cảnh báo mặn, nhất là việc vận hành hệ thống thủy lợi sông Nghèn.
Đối với công tác phòng, chống cháy rừng, "Ngoài việc chỉ đạo giám sát thực hiện tốt phương án phòng, chống cháy rừng, kiểm lâm còn tăng cường trực gác ở các cửa rừng, nhất là vùng trọng điểm. Các vùng có rừng thông như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Hồng Lĩnh... là các "kho xăng" được lưu tâm số 1..." Phó Giám đốc Sở NN và PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Trần Huy Lợi cho biết.